Người bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân nghèo

09:08, 24/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm cống hiến trong ngành y, với hơn 10 năm công tác y tế vùng cao và hiện tại anh trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân lao, phổi. Ở cương vị nào,  anh cũng hết lòng vì người bệnh. Đó là Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh, bác sĩ Trần Đặng Giao.

TIN LIÊN QUAN

Tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh, nhìn bác sĩ Trần Đặng Giao mồ hôi thấm đẫm, tất bật khám, tư vấn cho bệnh nhân, nhẹ nhàng hỏi tình hình sức khỏe từng người bệnh... khiến mọi người cảm động.

Tận tụy với nghề

Với cương vị Phó Giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Khám bệnh, hằng ngày bác sĩ Giao vẫn đều đặn có mặt để khám bệnh, theo dõi sức khỏe cho hàng chục lượt bệnh nhân. Bác sĩ Giao, chia sẻ: “Những khó khăn mà các y, bác sĩ chúng tôi gặp phải như làm việc trong môi trường độc hại, áp lực chuyên môn cũng không thể sánh với nỗi đau bệnh nhân lao đang gánh chịu.

Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, người nhà bỏ hẳn người thân khi mắc bệnh lao trong bệnh viện, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phải nhờ nhân viên bệnh viện”. Trước khi về công tác tại Bệnh viện Lao, Phổi, bác sĩ Giao có hơn chục năm cống hiến cho y tế vùng cao Tây Trà.

Bác sĩ Giao khám bệnh cho bệnh nhân lao đang điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Giao khám bệnh cho bệnh nhân lao đang điều trị tại bệnh viện.


Anh tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, năm 1995, bác sĩ Giao nhận công tác ở huyện miền núi Trà Bồng, sau đó điều động lên công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tây Trà. Những năm tháng công tác y tế ở đây, anh cùng đồng nghiệp phải căng mình đối phó với dịch bệnh sốt rét, tiêu chảy...  và nạn cúng bái, tin thầy cúng hơn tin thầy thuốc của đồng bào vùng cao lúc bấy giờ.

Anh kể, có lần đi cơ sở, chứng kiến một sản phụ ở xã Trà Phong, đau bụng hai ngày mà không sinh được. Người chồng đã cúng 3 ngày, 2 đêm mà không thấy vợ sinh, nên anh ấy khiêng vợ bỏ ngoài bìa rừng với lý do: “Vợ bị ma xấu nhập vào, nên không để trong nhà được, nó nhập vào người nhà sẽ chết hết”.

Biết được sự tình, qua khám bệnh, nhận thấy tình hình sức khỏe bệnh nhân nguy kịch, thai chết lưu, nếu không chuyển viện sẽ nguy đến tín mạng. Lúc ấy, đường xá đi lại khó khăn, xe máy không thể đi lại được, bác sĩ Giao đã không ngần ngại bỏ tiền túi, vận động thanh niên khiêng sản phụ xuống trạm y tế xã, rồi xử lý thuốc, cứu sống sản phụ. Đó là một trong rất nhiều trường hợp mà tận tay  bác sĩ Giao cứu người trên địa bàn huyện.
 

“Bác sĩ Giao đã cùng các đồng nghiệp xây dựng, duy trì ổn định và hiệu quả mạng lưới phòng, chống lao trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân lao mới phát hiện trong cộng đồng mỗi năm đều tăng, tỷ lệ bệnh nhân lao trên địa bàn được điều trị khỏi luôn đạt chỉ tiêu của Chương trình phòng, chống lao quốc gia đề ra".
Giám đốc Bệnh viện Lao, Phổi tỉnh, bác sĩ NGUYỄN BÉ

Nặng lòng với người bệnh nghèo

Điều khiến bác sĩ Giao luôn trăn trở thời gian qua không phải là áp lực trong công việc, mà là phải chứng kiến người dân có hoàn cảnh khó khăn không được phát hiện, điều trị bệnh kịp thời. Đa số bệnh nhân lao điều trị tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người bệnh không có người nhà chăm sóc, nên những thầy thuốc như anh còn phải luôn gần gũi, động viên, giúp họ vượt qua tâm lý mặc cảm bệnh tật, điều trị đúng phác đồ.

Hơn nữa, tình trạng lao kháng thuốc ở bệnh nhân lao hiện đang gia tăng. Nguyên nhân là do người bệnh không tuân thủ liệu trình điều trị. “Điều trị bệnh lao, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, điều trị đúng liều lượng và thời gian, nếu không thì rất khó đẩy lùi bệnh”, bác sĩ Giao cho biết.

Với nhiều người bệnh điều trị tại đây, không ít người xem bác sĩ Giao là ân nhân. Nhiều người thiếu tiền chữa trị, anh vận động anh em cơ quan quyên góp ủng hộ. Rất nhiều trường hợp, anh bỏ tiền túi giúp đỡ người bệnh có điều kiện vượt qua giai đoạn khó khăn khi điều trị bệnh. Anh cùng Ban Giám đốc kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ suất ăn cho người bệnh nghèo ở đây.

Bệnh nhân T, ở huyện Tư Nghĩa, chia sẻ: “Hoàn cảnh của tôi rất khó khăn, không có người nhà chăm sóc. Tôi đã từng chán nản, có ý định bỏ ngang điều trị. May mà có bác sĩ Giao động viên, giúp đỡ, nên giờ bệnh của tôi cũng đã đỡ nhiều rồi, tuần tới là xuất viện”. Với bác sĩ Giao, điều anh mong mỏi lớn nhất là phải nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lao, để họ cảm thông, không xa lánh, hắt hủi người bệnh. Được như vậy thì công tác phát hiện, chữa trị bệnh lao sẽ có thêm nhiều thuận lợi.
    

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.