Một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu

02:04, 07/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hồ Minh Nên xác nhận, trên địa bàn tỉnh vừa có 1 trường hợp bệnh nhân bị tử vong do bệnh bạch hầu. Được biết, hơn 10 năm qua, tỉnh ta không có ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
 

Tiêm vắcxin chống dịch cho người dân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ 2.000 liều vắcxin phòng bệnh bạch hầu-uống ván (Td) cho chiến dịch tiêm vắcxin Td chống dịch cho cán bộ tại Trạm Y tế xã Sơn Bua, giáo viên, học sinh Trường THCS Sơn Bua và đối tượng từ 5-40 tuổi trên địa bàn thôn Nước Tang, xã Sơn Bua.

Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu và tử vong là một học sinh Trường THCS Sơn Bua, sống tại thôn Nước Tang, xã Sơn Bua (Sơn Tây). Bệnh khởi phát từ ngày 8.3.2017, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện huyện Sơn Tây ngày 13.3, sau đó được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến ngày 14.3 được chuyển điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Bệnh nhân tử vong ngày 18.3, với chẩn đoán bạch hầu họng/viêm cơ tim cấp. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang ngày 20.3 qua nuôi cấy và PCR dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hồ Minh Nên cho biết, sau khi phát hiện ca bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức khám, điều trị dự phòng kháng sinh cho các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân; phun Chloramin B, hướng dẫn xử lý môi trường tại nhà bệnh nhân, nhà các hộ dân có người tiếp xúc với bệnh nhân và tại Trường THCS Sơn Bua; lấy mẫu xét nghiệm dịch tiết của hầu họng các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, kết quả đều âm tính. Tính đến thời điểm hiện tại không ghi nhận ca bệnh mắc mới trên địa bàn huyện Sơn Tây.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng. Sau 2-3 ngày xuất hiện giả mạc ở hai bên thành sâu họng. Giả mạc có màu trắng ngà hoặc xám đen, rất dính và khó bóc tách. Nếu bóc tách rất dễ chảy máu. Sau khi nhiễm vi khuẩn khoảng 2 tuần thì bệnh nhân có khả năng lây cho người khác. Sau 14 ngày khởi phát ca bệnh cuối cùng nếu không phát hiện ca bệnh mới thì ổ dịch đã được khống chế. Ông Hồ Minh Nên khuyến cáo các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin Quinvaxem đủ liều và đúng lịch (tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi), đến 18 tháng tuổi tiêm mũi nhắc DPT. Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

PHƯƠNG LÝ



 


.