Không sử dụng kháng sinh khi trẻ bị các bệnh thông thường

09:01, 03/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dân gian có câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Vì thế, nhiều người có thói quen uống thuốc khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Khi trẻ em có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi thì được cho uống thuốc ngay, phổ biến là kháng sinh.

Hiệu quả mà thuốc kháng sinh đem lại không thể phủ nhận được. Kháng sinh là một vũ khí lợi hại dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi sẽ rất nguy hại, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhiều bộ phận của trẻ chưa phát triển đầy đủ, chức năng hoạt động của các cơ quan chưa hoàn chỉnh, nên khả năng thải trừ thuốc chậm hơn nhiều so với người lớn. Vì vậy, nếu lạm dụng kháng sinh sẽ tích tụ trong cơ thể, từ đó gây ra ngộ độc cho trẻ.

Năm 2011, nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi: “Hãy chống lại tình trạng kháng thuốc – Không hành động hôm nay, không chữa trị được ngày mai”. Năm 2014, khẩu hiệu trên được nhắc lại nhằm khuyến cáo tình trạng lạm dụng kháng sinh, thói quen mua, tự điều trị không cần toa của thầy thuốc, dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều... hệ lụy của nó là chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị hạn chế các phương thuốc điều trị.

Nói về vấn đề có nên sử dụng kháng sinh khi trẻ mắc các bệnh thông thường như ho, sốt, chảy nước mũi, bác sĩ CKII Nguyễn Tấn Phụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, cho biết: “Đây là những bệnh thông thường ở trẻ. Chảy nước mũi thường gặp trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Nguyên nhân 60-70% là do virus, không bội nhiễm thì không nên dùng kháng sinh. Sốt là một phản ứng của cơ thể, sốt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn. Khi trẻ bị sốt, cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân, sốt ở mức độ nào, nếu dùng kháng sinh phải theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ho là phản xạ có lợi, để làm sạch đường hô hấp, đây là một phản xạ có tính chất bảo vệ, không nên dùng thuốc ức chế vì sẽ có hại cho trẻ. Chỉ nên uống nhiều nước, không nên lạm dụng dùng thuốc ho có kháng sinh, chỉ nên dùng theo các bài thuốc dân gian”.

Chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phòng ở thoáng, không bụi bặm, không khói thuốc lá... Bệnh thường tự khỏi sau 3-7 ngày. Trẻ coi là bị sốt khi nhiệt độ ở nách đo được từ 37,5oC trở lên. Sốt không phải là một bệnh, nguyên nhân dẫn đến sốt là do nhiễm trùng hoặc có thể không phải do nhiễm trùng. Trẻ cũng thường bị sốt sau tiêm chủng, mọc răng... vì cơ thể của bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt được. Khi trẻ sốt phải nới lỏng quần áo bé ra, dùng nước ấm để lau ở những vị trí như nách, bẹn, cổ, khoeo tay, khoeo chân, đầu...

Theo bác sĩ Phụ, trẻ sốt, viêm mũi, viêm họng, ho... phần lớn là viêm đường hô hấp trên; từ 60 - 70% là do virus, từ 5 - 7 ngày sẽ tự khỏi. Dùng kháng sinh không có hiệu quả. Có thể điều trị cho trẻ uống theo một số bài thuốc đông y. Nếu vẫn không thuyên giảm, phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được khám. Khi bác sĩ cho toa, phải mua đúng thuốc hướng dẫn, tránh tình trạng tự mua thuốc điều trị.

Kim Liên
 


.