Nhiều cơ sở sản xuất đá viên sử dụng bao bì không đảm bảo vệ sinh

10:07, 26/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Theo quy định, tất cả các cơ sở sản xuất nước đá dùng cho ăn uống phải đóng gói thành phẩm bằng bao bì đã qua công bố hợp quy và có nhãn mác rõ ràng. Thế nhưng, thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở này trên địa bàn tỉnh đã và đang sử dụng bao bì thô, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi hiện có 50 cơ sở sản xuất đá viên để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, số lượng cơ sở đang sử dụng bao bì hợp quy để đựng đá viên thành phẩm, chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
 
Không dám mạnh tay đầu tư
 
Cơ sở sản xuất đá viên Thiên Phúc Thịnh ở thôn Đại An Nam, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) mỗi ngày đưa ra thị trường 4-5 tấn sản phẩm. Cơ sở này chủ yếu phục vụ cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát trên địa bàn TP. Quảng Ngãi. Nhiều năm nay, sản phẩm đá viên của cơ sở đến tay người tiêu dùng vẫn được đựng trong những bao tải tái sử dụng đã từng chứa đường, gạo…

 

Mỗi ngày cơ sở này sản xuất 4-5 tấn đá viên để cung cấp cho nhiều hàng, quán ở TP.Quảng Ngãi
Mỗi ngày cơ sở này sản xuất 4-5 tấn đá viên để cung cấp cho nhiều hàng, quán ở TP.Quảng Ngãi.
 
Qua 2 lần kiểm tra trước đây, Chi cục ATVSTP tỉnh đã nhắc nhở cơ sở này phải thực hiện đúng quy định hiện hành là sử dụng bao bì hợp quy hoặc được công bố hợp quy định ATVSTP. Tuy nhiên, đến lần thứ 3, cơ sở này vẫn mắc lỗi cũ.
 
Có mặt tại cơ sở Thiên Phúc Thịnh trong lúc những mẻ đá viên vừa mới ra lò, chúng tôi được chứng kiến nhân viên của cơ sở này dùng nhiều bao tải trắng được sử dụng nhiều lần, không hề có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng để chứa thành phẩm. Sau khi được nhập kho lạnh, các bao tải này sẽ lần lượt được phân phối đi khắp nơi.
 
“Bao bì được chúng tôi vệ sinh kỹ lắm rồi mới tái sử dụng. Quy trình sản xuất được khép kín, nguồn nước đầu vào cũng đã được khử trùng”- ông Võ Duy Ngô- Chủ cơ sở sản xuất đá viên Thiên Phúc Thịnh khẳng định về chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, khi được hỏi liệu chất lượng các bao bì này có đảm bảo, khi chúng chưa hề được công bố hợp quy, chủ cơ sở trở nên ngập ngừng.
 
“Nếu làm đúng theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, thì tôi phải đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín trong môi trường lạnh và đầu tư chất lượng bao bì có nhãn mác. Phải tốn vài tỷ đồng cho việc này. Tốn kém lắm, trong khi khách hàng thì chỉ cần cơ sở nào bán rẻ thì sẽ mua”- ông Ngô phân trần.

 

Bao bì đựng đá viên thành phẩm được xử lý, vệ sinh không đúng quy định
Bao bì đựng đá viên thành phẩm tại cơ sở Thanh Phương được xử lý, vệ sinh không đúng quy định.
 
Cùng suy nghĩ với ông Ngô, ông Trần Duy Thanh- Chủ cơ sở sản xuất đá viên Thanh Phương ở thôn Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng đang vận hành sản xuất trong điều kiện không đảm bảo ATVSTP. Nhất là khâu vệ sinh bao bì đựng thành phẩm cũng được thực hiện trong môi trường khá nhếch nhác.
 
“Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, lại gặp phải sự cạnh tranh khá khắc nghiệt khi ngày càng có nhiều nơi bán đá viên hình thành. Chúng tôi làm gì có vốn để đầu tư một nhà máy khang trang, hợp quy chuẩn và có bao bì đúng quy định. Dù tôi đã được đi tập huấn đầy đủ để biết phải làm thế nào để đảm bảo ATVSTP, nhưng lực bất tòng tâm thôi”- ông Trần Duy Thanh giãi bày.
 
Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
 
Khi sử dụng sản phẩm đá viên, ít ai biết rằng chúng đã được chứa trong loại bao bì chưa được kiểm định về chất lượng ATVSTP. Từ đây, rất có thể nhiều loại vi khuẩn, vi rút sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa.
 
Thời gian qua, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế ở 50 cơ sở sản xuất đá viên đang hoạt động tại Quảng Ngãi. Điều đáng mừng, tất cả các cơ sở đều đã công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Nhưng, theo kết quả giám sát sản phẩm đá viên của Chi cục ATVSTP tỉnh vào tháng 1.2016, vẫn có đến 15/25 mẫu đá viên không đạt chất lượng (nhiễm vi sinh E.Coli và Coliform).

 

Việc sử dụng bao bì tái sử dụng, không được công bố hợp quy sẽ tạo điều kiện sản phẩm bị nhiễm khuẩn khi đến tay người tiêu dùng
Việc sử dụng bao bì tái sử dụng, không được công bố hợp quy sẽ tạo điều kiện sản phẩm bị nhiễm khuẩn khi đến tay người tiêu dùng.
 
Nguồn nước đầu vào được khử trùng. Quy trình sản xuất khép kín. Nhưng sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn bị nhiễm khuẩn. Nghịch lý này vẫn có thể xảy ra. Bởi, “Việc sử dụng bao bì tái sử dụng chưa có nhãn mác, xuất xứ để chứa đựng đá viên, gây mất an toàn thực phẩm. Đây là điều thiệt thòi cho người tiêu dùng và chúng tôi đã nhắc nhở các cơ sở rất nhiều lần từ khi Nghị định 38 ra đời”- ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho hay.
 
Việc đề nghị các cơ sở sản xuất đá viên bao gói và ghi nhãn sản phẩm, nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm nước đá sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đây là cách bảo vệ thương hiệu, uy tín của nhà sản xuất; giúp khách hàng yên tâm về nguồn gốc, chất lượng nước đá khi sử dụng. Nhưng các cơ sở sản xuất đang làm ngơ với điểm quan trọng này.
 
“Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra tại tất cả các cơ sở sản xuất đá viên. Cơ sở nào vi phạm quy định về sử dụng vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh đá viên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo điều 9 của Nghị định 178 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm”- Ông Nguyễn Văn Oai cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.