Chung tay thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

09:07, 01/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thông điệp của Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam (1.7) năm nay, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong việc thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.

TIN LIÊN QUAN

“Phao cứu sinh” của người bệnh

 Theo chân cán bộ đại lý BHYT tự nguyện xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), chúng tôi ghé thăm ông Huỳnh Châu, ở thôn An Hòa. Mới nhìn, thật khó hình dung được ông là bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư đại tràng. Bởi sau nhiều đợt xạ trị, sức khỏe ông nay đã dần hồi phục. Nói về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, ông Châu không giấu được niềm vui: “Không có BHYT chắc tôi chỉ có nước chết, chứ biết lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng để chữa bệnh”. Cách đây hai năm, nhận biết được lợi ích khi tham gia BHYT, ông Châu cùng với vợ mua BHYT để “phòng thân”. Một năm sau đó ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư đại tràng. Nhờ có BHYT, ông Châu được chữa trị với tổng kinh phí đến nay lên đến cả tỷ đồng. Thấy được lợi ích quá lớn của BHYT, ông Châu đã mua BHYT cho cả 4 thành viên trong gia đình và vận động người dân ở xung quanh cùng tham gia BHYT.  

BHYT là “phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.
BHYT là “phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.


Tương tự, đã 6 năm nay, ông Trần Minh Sinh, ở thôn An Tân, xã Hành Dũng, bị suy thận nặng và mắc bệnh gút. Ông Sinh phải liên tục thăm khám, điều trị bệnh tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, sức khỏe có phần hồi phục, nhưng cứ 10 ngày ông Sinh lại phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tái khám, xin thuốc điều trị. Ông Sinh bộc bạch: “Gia đình tôi nghèo khó, mọi việc đều do vợ cáng đáng để lo chạy ăn từng bữa. May mà tham gia BHYT tự nguyện, được chi trả 80% chi phí thuốc thang, tôi mới có cơ hội chữa bệnh”.  Theo lời ông Sinh thì số tiền mua BHYT chỉ đủ một lần ông đi khám-chữa bệnh. Trong 6 năm qua, BHYT đã chi trả viện phí, thuốc thang cho ông hàng trăm triệu đồng. Số tiền này vượt quá tầm chi trả của gia đình ông, nếu như không tham gia BHYT.  

Ông Trần Văn Thiện- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng cho biết, cách đây 5 năm người dân trong xã tham gia BHYT rất ít, chỉ khoảng 30%, thường là ốm trước, mua sau. Nhưng nay nhận thức của người dân về việc tham gia BHYT được nâng cao, toàn xã có gần 80% dân số tham gia BHYT. Theo ông Thiện, để đạt kết quả đáng mừng này, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

BHYT hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro của một người cho nhiều người, tức là "lấy số đông bù số ít". Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được lợi ích của BHYT mang lại. Không ít người chẳng may bị tai nạn, ốm đau, không có thẻ BHYT nên đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì mức viện phí phải chi trả quá lớn so với kinh tế của gia đình. Ông Trương Văn Nam- Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, BHYT không chỉ là “phao cứu sinh” cho người nghèo mà còn là sự chia sẻ của cả cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe. Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHYT ở tỉnh ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2011 chỉ có hơn 752.500 người tham gia BHYT thì đến tháng 5.2015 con số này đã tăng lên hơn 973 nghìn người. Đặc biệt gần đây, thực hiện giá viện phí mới nên giá các dịch vụ y tế tăng lên rất nhiều, việc người dân tham gia BHYT đã giúp họ “nhẹ gánh” tài chính trong khám, chữa bệnh.

Còn hơn 20% dân số chưa tham gia

Năm 2015 là năm thứ 3 triển khai Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Sau khi Nghị quyết ra đời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện. Nhờ đó đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với công tác BHXH, BHYT. Theo lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 75% dân số của tỉnh tham gia BHYT, đến năm 2020 đạt 90% dân số tham gia BHYT. Đến nay, toàn tỉnh đã có 77% dân số tham gia BHYT, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thực sự bền vững. Hơn 20% dân số còn lại chưa tham gia BHYT rơi vào nhiều nhất là đối tượng hộ cận nghèo. Toàn tỉnh chỉ có 58% đối tượng hộ cận nghèo tham gia BHYT.

Ông Huỳnh Châu (thứ hai, bên phải) chỉ rõ chứng từ thanh toán BHYT lên đến cả trăm triệu đồng khi điều trị bệnh.
Ông Huỳnh Châu (thứ hai, bên phải) chỉ rõ chứng từ thanh toán BHYT lên đến cả trăm triệu đồng khi điều trị bệnh.


Bất cập cần được quan tâm tháo gỡ hiện nay là theo quy định, người dân đăng ký mua BHYT ở đâu thì khám, chữa bệnh ban đầu ở đó. Phần lớn, người cận nghèo đều đăng ký mua BHYT ở trạm y tế xã, phường nên đây cũng là nơi khám-chữa bệnh ban đầu của người cận nghèo. Trong khi đó  hầu hết trạm y tế xã, phường thiếu trang thiết bị. Nếu trong trường hợp mắc bệnh nặng, phải chuyển lên tuyến trên người bệnh sẽ rất mất thời gian, nhiều thủ tục rườm rà… Công tác tuyên truyền tới hộ cận nghèo về BHYT ở nhiều địa phương chưa được chú trọng, dẫn tới tình trạng nhiều người trong diện cận nghèo không biết mình được hưởng lợi ích gì từ BHYT. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều đối tượng cận nghèo chưa chủ động tham gia BHYT.

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi

Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1.1.2015. Trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật BHYT được áp dụng trong suốt thời gian qua.

Để Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thật sự đi vào cuộc sống, bảo đảm được quyền lợi cho người tham gia BHYT thì cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân được biết, đặc biệt là đối với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi được triển khai, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và chủ động tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của ngành. BHXH tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan ký kết chương trình phối hợp thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức tuyên truyền đến người dân các xã điểm thực hiện BHYT tự nguyện thông qua các buổi đối thoại, tư vấn trực tiếp để người dân nắm rõ.

Vừa qua, BHXH tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho hơn 200 lao động tại Công ty TNHH Điện tử Foster Quảng Ngãi để thông tin kịp thời những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi và giải đáp các thắc mắc liên quan để người lao động nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ  khi tham gia BHYT.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trương Văn Nam thì dù chính sách BHYT có nhiều ưu việt, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, nhưng nhận thức của một bộ phận dân cư về tầm quan trọng của chính sách BHYT còn hạn chế, thiếu tính chia sẻ cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động, tình trạng nợ đóng BHYT ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở KCB ban đầu chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân dẫn đến tình trạng vượt tuyến, khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Để Luật BHYT sửa đổi triển khai đạt hiệu quả cao, tạo đà thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, mọi người dân cần nâng cao nhận thức “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Thực hiện chính sách BHYT là trách nhiệm của toàn xã hội, qua đó góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội.

Bài, ảnh: KIM NGÂN



 


.