Nữ cán bộ y tế của làng

04:03, 31/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù mức hỗ trợ hằng tháng không quá 500 nghìn đồng, nhưng 15 năm qua, với đôi chân miệt mài, tấm lòng nhiệt tình với đồng bào, đã giúp chị băng qua những ghềnh đá cheo leo, những ngọn đồi, con suối, đem ánh sáng của tri thức xua đi bóng ma thần chết của hủ tục; góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em nơi núi rừng heo hút. Chị là nữ cán bộ y tế Phạm Thị Tới (37 tuổi) ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ.

Thôn Huy Ba 1 là một trong những địa bàn có địa hình cách trở, dân cư sống thưa thớt và là địa bàn khó khăn nhất của xã Ba Thành. Toàn thôn có gần 400 hộ, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Trước đây, để tìm được người ở địa phương làm y tế thôn  gắn bó lâu dài ở đây không hề dễ. Vì mức hỗ trợ lúc bấy giờ quá thấp, có không ít người làm thời gian rồi bỏ dở.

 

Nữ y tế Phạm Thị Tới (áo trắng) tư vấn về sức khỏe thai nghén cho chị Phạm Thị Thô đang mang thai tháng thứ 3.
Nữ y tế Phạm Thị Tới (áo trắng) tư vấn về sức khỏe thai nghén cho chị Phạm Thị Thô đang mang thai tháng thứ 3.


Là người con của địa phương, chị Phạm Thị Tới thấu hiểu được nỗi khổ, vất vả của người dân. Chứng kiến nhiều cái chết không đáng có do sinh nở ở nhà, đau ốm không đến trạm y tế, trẻ con còi cọc, suy dinh dưỡng… khiến lòng cô gái trẻ Phạm Thị Tới xót xa và mong ước đóng góp hiểu biết của mình truyền lại cho bà con. Tốt nghiệp THPT xong, Tới hăng hái đăng ký tham gia lớp tập huấn 6 tháng về công tác y tế ở cơ sở. Nhưng rồi, ngày về nhận công tác, mọi chuyện không hề đơn giản với chị, khi mà tư tưởng, phong tục lạc hậu của bà con đã ăn sâu vào tiềm thức, khó thay đổi ngày một ngày hai. “Bà con ban đầu chưa chịu hợp tác, không chịu nghe mình nói. Lúc đó, mình chán lắm, nhưng rồi thương dân làng mình lại không cầm lòng”, chị Tới bộc bạch.
 

Bà Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ, nói: "Thôn Huy Ba 1 thật may mắn vì có được y tế ở cơ sở tận tụy như cô Tới. Nhiệt tình với công việc và  đến với nghề bằng cả tấm lòng của một thầy thuốc. Dù tiền hỗ trợ hằng tháng không quá 500 nghìn đồng, nhưng phải gánh nhiều phần việc và luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao”.

Chị Tới kể, nhiều gia đình kiên quyết không đưa con đi tiêm phòng. Vì nói như cụ bà Phạm Thị Đia, ở tổ Gò Ôn: “Nó tiêm xong bị ma bệnh bắt, rồi nóng khắp người, khóc suốt đêm thôi. Không tin y tế Tới nữa!”. Có gia đình, chị thuyết phục đưa con đi tiêm được một lần rồi trốn luôn mấy đợt sau đó. Nhưng rồi với phương châm mưa dầm thấm lâu, 15 năm qua, chị Tới thường xuyên đến nhà để tỉ tê, giải thích cho dân làng hiểu. “Nay thì các bà mẹ đã hiểu chuyện hơn, họ chủ động đưa con đi tiêm phòng rồi, mình mừng lắm vì công sức bỏ ra được đền đáp rồi!. Năm vừa qua, toàn thôn có 90% bà mẹ có thai đi tiêm phòng, hơn 90% trẻ được tiêm chủng đúng định kỳ", chị Phạm Thị Tới, bộc bạch.

Ở vùng núi  này, việc đi khám thai, khám phụ khoa đối với chị em phụ nữ là chuyện ngại ngùng, cấm kỵ. Nhưng vượt qua những khó khăn ấy, chị Tới kiên trì, nhẫn nại lấy người thực hiện thuyết phục người chưa thực hiện. Nhiều chị em bị viêm nhiễm phụ khoa chị đưa đến trạm y tế khám điều trị khỏi bệnh, nên ngày càng tin tưởng chị hơn. Còn chuyện vận động chị em đến cơ sở y tế để sinh nở cũng không đơn giản chút nào, do có thói quen ở nhà để người nhà đỡ đẻ, dùng dao kéo không qua sát trùng để cắt rốn cho trẻ.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh tử vong cao trong những năm trước. Nhiều lúc đi xuống khu dân cư công tác, chị Tới tích cực tuyên truyền cho phụ nữ hiểu, khi gặp chị em vượt cạn chị liền xắn tay áo giúp đỡ những trường hợp sinh dễ. Những việc làm như thế của chị đã làm cho dân làng tin yêu hơn. Chị gắn bó, tận tâm với nghề, đến với công việc thầm lặng này bằng tấm lòng thương người. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị mà tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong thôn đã giảm từ 60 - 70% xuống còn 40%. “Từ ngày có y tế Tới bà con mình được giúp đỡ nhiều lắm, biết đến Trạm y tế để chữa bệnh, không tin thầy cúng bái nữa. Y tế Tới tốt bụng lắm!”, Già làng Phạm Văn Vân không ngớt lời khen khi kể về chị.

Là cánh tay nối dài của cán bộ y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn làng có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ là những thông tín viên, là cán bộ y tế có mặt sớm nhất khi xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, những người như chị Tới cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ, động viên để họ yên tâm gắn bó với nghề.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.