Vi chất dinh dưỡng

03:09, 22/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, thiếu ăn không còn là vấn đề cấp bách, nhưng ăn uống như thế nào để không bị suy dinh dưỡng, không thừa cân, nâng tầm vóc cơ thể, tăng hiệu quả của hoạt động trí óc và lao động chân tay, tăng sức đề kháng, chống hiện tượng lão hóa, đề phòng các bệnh mãn tính, kéo dài tuổi thọ là vấn đề được mọi người quan tâm.

Để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe và đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, thì bữa ăn cần phải hợp lý, đủ về số lượng và cân đối về chất lượng. Ngoài năng lượng thì một yếu tố hết sức quan trọng đó là vitamin và khoáng chất (gọi chung là vi chất dinh dưỡng) rất cần thiết cho cơ thể,  vì chỉ cần thiếu hoặc thừa một lượng rất nhỏ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Có khoảng 90 vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tham gia xây dựng, phục hồi tế bào, các mô bị tổn thương, các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết, hệ thống miễn dịch, hoạt động trong cơ thể, duy trì sự cân bằng nội môi, tạo ra hoormon, các dịch tiêu hóa...

 

Đu đủ chứa nhiều vitamin A.
Đu đủ chứa nhiều vitamin A.


 Các vi chất dinh dưỡng khi thừa trong cơ thể sẽ được thải ra ngoài, nhiều nhất là nước tiểu; nhưng có một số vi chất sẽ bị tích lũy và gây một số biến chứng nguy hiểm như vitamin A và D. Trong số các vi chất cần thiết, thì vitamin A, D, nhóm B, C, là những vi chất rất dễ thiếu và cần được phòng chống sự thiếu hụt trong cộng đồng.

Vitamin A: Là vitamin tan trong dầu, có chức năng điều hòa, tổng hợp protein, giúp tăng trưởng và giữ vững lớp thượng bì của da, niêm mạc, tác dụng lên võng mạc và kết mạc mắt.

Vitamin A được cung cấp dưới 2 dạng, Retinol ester có trong thực phẩm từ nguồn gốc động vật, như gan và dầu gan cá, chế phẩm từ sữa, thịt, cá, lòng đỏ trứng ... dễ hấp thu. Provitamin A carotenoid (chủ yếu là beta caroten) có nhiều trong rau củ màu vàng và màu xanh đậm như cà rốt, củ cải đường, gấc, bí đỏ, rau muống, dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, bông cải xanh, bí đỏ, gấc, đu đủ, xoài... khó hấp thu gấp 6 lần so với retinol.

Dự phòng thiếu Vitamin A bằng cách: Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng; ăn dặm đúng cách và sử dụng đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của trẻ (ưu tiên sử dụng thực phẩm có tại gia đình), ăn đủ chất béo, dùng những thức ăn giàu vrtamin A; khi trẻ bệnh không ăn kiêng; chủng ngừa theo lịch để phòng các bệnh nhiễm khuẩn. Bà mẹ đang cho con bú, nên uống 1 liều vitamin A 200.000UI vào lúc sinh hay trong 2 tháng đầu sau khi sinh, để làm tăng nồng độ vitamin A trong sữa mẹ và có thể bảo vệ tốt trẻ bú mẹ.

Vitamin D: Vitamin D và canxi có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển xương, răng; nguyên nhân còi xương hay gặp nhất là thiếu vitamin D. Có 2 nguồn vitamin D chính là D3 (cholecalciferol) được tổng hợp tại da dưới tác động của tia cực tím và D2 (ergocalciferol) từ thực phẩm. Trẻ thiếu  vitamin D thường hay khóc đêm, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra mồ hôi trộm nhất là phần đầu, chậm mọc răng, rụng tóc…

Bà mẹ mang thai nên uống vitamin D 100.000UI lần duy nhất ở thai tháng thứ 7 nếu ít tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Với trẻ thì phơi nắng trước 8 giờ sáng, đến khi da vừa ửng đỏ, xác định khoảng thời gian phơi, thường khoảng 10-30 phút tùy mùa, vị trí địa lý…Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng, ăn dặm đúng cách, thức ăn có tôm, cua, ốc, sò, phomat, các thực phẩm có dầu cá, trứng, gan.

Vitamin B: Có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, duy trì sức khỏe của các tế bào, neurron thần kinh, tham gia vào tạo hồng cầu… Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc, cám gạo, thịt, cá, bồ câu, đậu đỗ, mè,  thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, phomat, sản phẩm từ sữa, sữa chua…Thiếu vitamin B trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn; thiếu vitamin B1 sẽ dễ phù, nhiệt miệng, cơ thể mỏi mệt.

Vitamin C: Có tác dụng chống oxy hóa tốt, tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể, quá trình hình thành collagene, kích thích sự hấp thu sắt ở ruột non. Thiếu vitamin C dễ bị sưng lợi, dễ chảy máu, nhiệt miệng, dễ bị ốm vặt, mệt mỏi… Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, dâu, ớt chuông xanh, súp lơ xanh, cà chua, khoai lang, rau cải, rau ngót, rau muống… khi chế biến không đun quá kỹ sẽ mất hết vitamin C.


     BS LÊ BÍCH PHƯƠNG
 


.