Quảng Ngãi: Đau đầu chuyện bác sĩ bỏ việc

06:09, 12/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, ngành y tế đã có những chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng y tế toàn diện. Tuy nhiên, các chế tài để ràng buộc, giữ chân bác sĩ công tác lâu năm lại bị bỏ trống.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tỉnh Quảng Ngãi phải cần bổ sung thêm khoảng 200 bác sĩ, thì nhiều bác sĩ đang công tác tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện lại lần lượt bỏ đi. Tình trạng này khiến cho việc thiếu bác sĩ càng trở nên trầm trọng.

Đào tạo xong thì bỏ việc

Theo thống kê của Sở Y tế, trong vòng 2 năm qua, có 11 bác sĩ bỏ việc ở cả miền núi lẫn đồng bằng để làm việc ở môi trường tốt hơn. Trong đó, nhiều nhất là ở Tây Trà, Sơn Tây và Ba Tơ.

Hầu hết các bác sĩ bỏ việc đều là những y sĩ được ngành y tế hỗ trợ, tạo điều kiện cho đi học để thành bác sĩ. Tuy nhiên, khi ra trường, họ lại nghỉ việc để tìm chỗ làm việc khác tốt hơn. Như trường hợp ở xã Ba Khâm, Ba Tơ, một y sĩ được Sở Y tế cấp kinh phí đi học 6 năm tại Huế để về lại địa phương cống hiến. Tuy nhiên, sau khi ra trường, vị bác sĩ này lại không mặn mà với việc trở lại công tác tại Trạm y tế xã Ba Khâm. Thay vào đó, lại chuyển công tác vào miền Nam để có điều kiện làm việc và thu nhập cao hơn.

 

Vẫn chưa có chế tài xử lý, ngăn chặn tình trạng bác sĩ bỏ việc
Vẫn chưa có chế tài xử lý, ngăn chặn tình trạng bác sĩ bỏ việc. Ảnh minh hoạ.


Đó không phải là trường hợp bác sĩ bỏ việc sau đào tạo duy nhất ở huyện Ba Tơ. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, trong 2 năm qua đã có 3 bác sĩ tuyến xã, 2 bác sĩ tuyến huyện bỏ việc sau khi được đào tạo thuần thục về chuyên môn.

Còn ở Sơn Tây, trong vòng 3 năm cũng đã có 3 bác sĩ bỏ việc. Đa phần họ đều là đối tượng có năng lực, được đưa đi học bài bản để bù lấp sự thiếu hụt bác sĩ tại địa phương. Nhưng sau khi đào tạo xong, thì ngành y tế lại rơi vào tình cảnh mất “cả chì lẫn chài”, đã thiếu lại càng thiếu. Các bác sĩ vừa ra trường lại “chê” điều kiện làm việc không tốt, thu nhập lại chẳng cao nên đi nơi khác, có môi trường làm việc tốt hơn.

Tình trạng này không chỉ khiến cho số lượng bác sĩ tại địa phương giảm đáng kể, mà còn làm giảm chất lượng khám, chữa bệnh ở nhiều xã, huyện. Và đối tượng chịu thiệt nhiều nhất ở đây chính là nhân dân địa phương. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vì không có bác sĩ tại trạm y tế xã, họ đành bấm bụng vượt dốc, lội sông hàng chục cây số để đến Trung tâm y tế huyện- nơi có bác sĩ để được khám chữa bệnh. Đó là chưa kể các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, vì không các bác sĩ tại trạm mà tính mạng của nhiều người dân bị đe dọa.

Vẫn chưa có chế tài xử lý

Vừa qua, để thu hút nguồn nhân lực về địa phương công tác, ngành y tế cũng đã có những chính sách riêng về chế độ tiền lương, phụ cấp. Bác sĩ công tác tại các huyện miền núi sẽ được chi trả với mức cao hơn (từ 3-6 triệu đồng/tháng theo Nghị định 64). Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trải “thảm đỏ” với nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp ngành y ra trường thông qua Nghị quyết 04/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định 27 của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc thu hút nguồn nhân lực cho ngành y là điều hết sức được chú trọng. Tỷ lệ bác sĩ so với dân số còn khá thấp, khoảng 4,8 bác sĩ/vạn dân. Hiện tỉnh có khoảng 589 bác sĩ và 40 dược sĩ. Cần phải bổ sung trên 200 bác sĩ mới đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh tại các địa phương.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một sự thật rằng, ngành y đã thực thi tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực nhưng vẫn chưa có một chế tài xử lý nào đối với tình trạng bỏ việc của các bác sĩ. Đành rằng, khi cấp kinh phí, ngành y tế có cam kết ràng buộc với đối tượng đi học. Tuy nhiên, sau khi ra trường, các bác sĩ sẵn sàng chấp nhận việc bồi thường kinh phí ngành y tế đã chi trả để được đi nơi khác làm việc.

Như vậy, những cam kết đó vẫn chưa thực sự có thể giữ chân, ràng buộc các bác sĩ chấp nhận ở lại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện tiếp tục công tác lâu dài sau khi được đào tạo. Do đó, vấn đề đặt ra là cần một chế tài xử lý, ràng buộc chắc chắn đối với các bác sĩ, đồng thời có ngoài chính sách ưu đãi, tạo điều kiện làm việc tốt nhất có thể. Có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng bác sĩ bỏ việc.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt bác sĩ, trước mắt, ngành y tế sẽ điều động, luân chuyển các bác sĩ ở đồng bằng về những nơi thiếu. Hiện Sở Y tế đang cho 63 y sĩ đi học bác sĩ hệ tập trung, sẽ ra trường vào năm 2015. Đây là nguồn nhân lực được bố trí về các nơi thiếu sau khi tốt nghiệp ra trường.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.