Nhân rộng những việc làm có ích cho cộng đồng

02:08, 22/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi đơn vị, tập thể, cá nhân làm một việc khác nhau, nhưng tất cả đều mong muốn những việc đó có lợi cho cộng đồng. Đó là kết quả trong việc học tập và làm theo Bác sau hai năm thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Nhiều năm trước, bãi biển thôn An Cường, xã Bình Hải luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường, do người dân có thói quen chôn, vứt rác tại đây. Cứ sau mỗi đợt thủy triều lên, những bao rác với đủ các loại phế thải được chôn ở đây lại lộ ra, bốc mùi hôi. Thế nhưng, hơn một năm trở lại đây, bãi biển thôn An Cường đã trở nên sạch đẹp, yên bình. Sau mỗi buổi chiều hè, người dân lại ra đây nghỉ ngơi, tắm biển. Có được kết quả đó là nhờ Đoàn xã Bình Hải triển khai mô hình “thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt”.

 

 Đoàn viên thanh niên xã Bình Hải (Bình Sơn) thu gom rác thải sinh hoạt.
Đoàn viên thanh niên xã Bình Hải (Bình Sơn) thu gom rác thải sinh hoạt.


Mô hình triển khai từ tháng 2.2017, với 15 thành viên tham gia, chia làm 5 tổ. Theo đó, vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7, các hộ gia đình tập kết rác thải dọc ven đường, đội  thu gom rác của các thôn có nhiệm vụ vận chuyển đến điểm tập trung để xe chở rác của Công ty CP Cơ -  Điện - Môi trường Lilama vận chuyển về nơi xử lý.

Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, huyện sẽ khen thưởng cho 16 tập thể và 20 cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, là những “viên gạch hồng” góp phần làm cho cái đẹp, cái tốt ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội...


Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Sơn PHẠM QUANG SỰ


Phó Bí thư Đoàn xã Bình Hải Nguyễn Văn Mỹ cho biết: Sau hơn một năm thực hiện, đến nay toàn xã có trên 3.800 hộ gia đình đăng ký đổ rác. Mức phí đóng góp hằng tháng là 20.000 đồng/hộ. Mô hình này giải quyết việc làm cho 15 đoàn viên thanh niên với thu nhập từ 1,8 -  2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cái được lớn hơn ở đây là ý thức bảo vệ môi trường của người dân ven biển được nâng lên đáng kể, đường làng, ngõ xóm trong khu dân cư, dọc bờ biển luôn sạch sẽ, không còn tình trạng ô nhiễm như trước đây. Không những tích cực trong thu gom rác thải, hằng tháng, tùy vào tình hình, các tổ thu gom sẽ trích ra 200.000 đồng để hỗ trợ người già neo đơn, hoặc trích ra 15% tổng thu nhập để hỗ trợ mô hình thắp sáng đường quê trong thôn.

Với Chi hội Phụ nữ thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, từ khi triển khai mô hình “Góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế” đã thu hút gần 500 hội viên đóng góp 100.000 đồng/người/tháng. Số tiền hiện đã lên trên 600 triệu đồng và đã giúp cho 120 hội viên vay, mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, chi hội còn thực hiện công việc thu gom phế liệu, phân loại rác thải; nhận giúp đỡ hội viên nghèo,  thông qua việc dọn vệ sinh bờ biển và thu gom phế liệu để bán. Từ nguồn kinh phí này, chi hội đã nhận nuôi cháu Nguyễn Văn Đông mỗi tháng 10 kg gạo. Ngoài ra, chi hội còn vận động chị em đóng góp 20.000 đồng/hộ/tháng để làm kinh phí duy trì hoạt động của tổ thu gom và xử lý rác thải.

Đến nay, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo Bác ở huyện Bình Sơn tiếp tục phát huy và duy trì hoạt động. Tiêu biểu là mô hình “Con heo đất” của Hội LHPN xã Bình Thanh Tây; “Bữa sáng yêu thương” của Đoàn xã Bình Thới; “Lò xử lý rác thải tại nhà” ở xã Bình Mỹ; mô hình Cải cách hành chính trong tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa ở xã Bình Đông; “Mỗi tháng sơn một ngôi nhà mới” của Đoàn xã Bình Thuận... Cùng với đó là có nhiều cá nhân thực hiện được nhiều việc làm ý nghĩa, giàu tính nhân văn trong cộng đồng, như vận động hỗ trợ hộ nghèo, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, khám chữa bệnh tại nhà cho đối tượng chính sách, tổ chức lễ giỗ liệt sĩ...


Bài, ảnh: PV

 


.