Giúp người trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn

09:04, 11/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Số lượng giới trẻ tham gia mạng xã hội ngày càng đông, đặc biệt là mạng xã hội facebook. Giữa “ma trận” thông tin từ chính thống đến không chính thống trên mạng, giới trẻ đang rất cần được định hướng cách sử dụng mạng xã hội an toàn.

Chưa bao giờ, trang mạng xã hội facebook lại trở thành công cụ truyền thông, giải trí phổ biến như hiện nay. Theo số liệu do Facebook công bố, năm 2017, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có người dùng facebook đông nhất, với 64 triệu tài khoản. Facebook đã và đang trở thành trang mạng xã hội thu hút đông đảo người tham gia, tương tác, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh những lợi ích mang lại, trang mạng xã hội facebook đã và đang tiềm ẩn nhiều mối lo ngại về những thông tin lệch chuẩn, gây ảnh hưởng đến quan điểm, cuộc sống của giới trẻ.

Giới trẻ sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều.                                                                          ảnh: TL
Giới trẻ sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều. ảnh: TL


Nhiều bạn trẻ than phiền, một số thông tin trên mạng xã hội khiến họ rơi vào trạng thái lo âu, mất niềm tin. Chẳng hạn như những thông tin, dù chỉ là tin đồn thất thiệt về bắt cóc trẻ em lấy nội tạng, cô gái bị lấy cắp thận sau khi đi hẹn hò ngày đầu tiên với bạn trai... bị nhiều đối tượng tung lên mạng xã hội, khiến nhiều nữ sinh và cả phụ huynh đều hoang mang, lo lắng.

Không những lan truyền nhiều thông tin sai sự thật, gây hoang mang, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để lập các trang bán hàng và lừa đảo người dùng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. “Vì muốn kiếm thêm thu nhập, nên em đặt mua dâu tây trên mạng của một chủ tài khoản facebook ở Đà Lạt chuyển về Quảng Ngãi bán. Ai dè, chuyển tiền xong rồi chờ mãi mà vẫn không thấy người ta chuyển dâu cho mình. Lên tìm lại trang facebook, thì thấy không còn tồn tại, nên em đành mất tiền oan”, em Nguyễn Thị Hòa, ở phường Nghĩa Chánh cho biết.

Nguy hiểm hơn, dù mạng xã hội chỉ là thế giới ảo, nhưng lại tạo ra áp lực thật cho người dùng, đặc biệt là những người trẻ - chưa vững vàng về tâm lý. Chẳng hạn như, vào giữa năm 2017, hai nữ sinh ở Bình Thuận đã rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”, khi tấm ảnh mà hai em chụp cách đây vài tháng bỗng dưng xuất hiện trên nhiều trang mạng, với nội dung nhạy cảm. Thông tin bịa đặt trên khiến hai nữ sinh rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, không dám ra đường và gia đình của hai em đã phải gửi đơn nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho con mình.

Trường hợp hai nữ sinh ở Bình Thuận không phải sự việc duy nhất, đã có rất nhiều hệ lụy do mạng xã hội gây ra, khiến nhiều bạn trẻ bị áp lực. Những lời bình luận đầy ác ý trên mạng xã hội, những cú nhấp chuột chia sẻ thông tin khi chưa xác thực, kiểm chứng... đã khiến nhiều bạn trẻ co mình vào bế tắc, thậm chí tìm đến cái chết...

Bình tĩnh, cẩn trọng kiểm chứng thông tin là một trong những kỹ năng mà giới trẻ cần phải có để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, giữa ma trận thông tin tràn lan trên mạng xã hội, giới trẻ cần có thêm sự định hướng từ phía nhà trường và phụ huynh để trở thành người dùng mạng xã hội thông minh và sáng suốt.

Ý THU


 


.