Biến giấc mơ thành hiện thực

06:07, 27/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Gia đình và sự nghiệp là đích đến khát khao của mỗi người. Thế nhưng, để biến giấc mơ thành hiện thực là sự nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của một thanh niên miền biển ngược lên miền núi công tác. Anh là Nguyễn Anh Khoa –Phó Chủ tịch xã Ba Điền (Ba Tơ), một đội viên của Dự án 600.

TIN LIÊN QUAN

Bạn đồng hành của người dân

Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Nguyễn Anh Khoa đã xung phong đăng ký tham gia dự án 600 Phó Chủ tịch xã do Bộ Nội vụ tổ chức. Hành trình “ghi danh” vào Dự án tuy có nhiều trở ngại, nhưng bằng sự quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn nên Khoa được đưa vào danh sách đào tạo 6 tháng về chuyên môn quản lý nhà nước.

 Phó Chủ tịch xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa hướng dẫn người dân cách trồng cây thuộc Chương trình 30a, 135
Phó Chủ tịch xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa hướng dẫn người dân cách trồng cây thuộc Chương trình 30a, 135


Tháng 6.2012, sau sáu tháng học tập và thực tập, Khoa về công tác tại xã miền núi Ba Điền (Ba Tơ) với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã. Với cương vị này, Khoa đã bắt đầu hiện thực hóa “giấc mơ” của mình. Dẫu biết rằng, công việc này sẽ vô cùng khó khăn nhưng Khoa luôn mỉm cười và quyết tâm vượt qua tất cả để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Nhà nước đã tin tưởng, giao phó.

Quyết tâm là vậy nhưng khởi đầu bao giờ cũng gian nan. Thời điểm anh về xã nhận công tác cũng là giai đoạn rất khó khăn của chính quyền và nhân dân xã Ba Điền khi mà Hội chứng Viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đang hoành hành, cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân nhưng căn nguyên vẫn còn là một ẩn số, kể cả tên gọi cũng thật mơ hồ – “Bệnh lạ”.

Xã nghèo xơ xác, người dân chỉ lo việc phòng bệnh, chữa bệnh, không còn chăm lo lao động sản xuất và một số khu dân cư trong xã xuất hiện hiện tượng mê tín dị đoan, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân rơi vào khó khăn, xáo trộn.

Khoa tâm sự: “Kỷ niệm đầu tiên tại xã Ba Điền là một kỷ niệm buồn và một cảm giác xót xa. Tôi đi dự đám tang của một người mất vì bệnh viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, một người thân trong gia đình ôm tôi và khóc. Đêm đó tôi trằn trọc mãi và tìm đọc các tài liệu về “bệnh lạ”. Bộ Y tế chỉ ra tác nhân gây bệnh là do nhân dân sử dụng gạo mốc và nguồn nước không đảm bảo”.

Biết được nguyên nhân, Khoa lập tức đi khảo sát và biết trong 10 tổ dân cư trong xã có một Khu dân cư Gò Nẻ là không có người bị dịch bệnh và tại nơi này người dân dùng nước từ nguồn nước Suối Gầm. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa nước từ con suối này đến các khu dân cư khác mới thật sự khó vì kinh phí quá lớn. Sau nhiều đêm trăn trở, Khoa đã lên kế hoạch và xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền năm 2013” trình UBND xã.

Được sự cho phép và phê duyệt của HĐND xã, UBND xã đã lập Tờ trình xin kinh phí thực hiện. Khoa đã khăn gói ra Hà Nội để bảo vệ Đề án của mình. Được sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh nên cấp kinh phí 10 tỷ đồng để thực hiện. Cùng với đó, anh thường xuyên lui tới tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phơi lúa và bảo quản, tránh tình trạng lúa gặt xong về đem cất vào chòi, gây ra tình trạng gạo mốc.

Giúp dân phát triển kinh tế

Từ ngày có công trình nước sạch cũng như thay đổi được thói quen sử dụng gạo mốc của người dân, dịch bệnh đã bị đẩy lùi, cuộc sống của bà con ngày một khấm khá hơn, tiếng cười lại vang lên trong mỗi nếp nhà. “Nhìn lại quãng đường đã đi qua cùng bà con nơi đây, tôi cảm thấy đó là những ngày đáng sống, bởi chúng tôi đã cùng nhau giành giật lấy sự sống, cùng chung tay xây cuộc sống đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn. Tôi biết ơn mảnh đất này đã cho tôi được trưởng thành, cho tôi sống trọn vẹn nghĩa tình”, anh Khoa nhớ lại.

Chính sự chân tình của Khoa nên đã từ rất lâu, đi đến xóm nào, anh cũng được chào đón, gặp nhà ai cũng được ngồi chung bữa cơm. Giữa anh và đồng bào Hrê nơi đây như chưa hề tồn tại cái gọi là khoảng cách “cán bộ với dân”, “người Kinh với người Thượng”. Bởi cái thung lũng nhỏ này đã là quê hương, là ngôi nhà thứ hai của anh. Anh vui vì được sống bên những con người thật thà, chất phác và hiền lành nhưng bản năng sống mãnh liệt.

Tuy chưa có nhiều khởi sắc, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân với vai trò Phó Chủ tịch UBND xã cùng sự đồng lòng của người dân, đến nay, Ba Điền đã thực hiện được 8 tiêu chí Nông thôn mới. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn chương trình 30a, 135, địa phương đã thực hiện chuyển đổi sản xuất cho nhân dân, thu lại kết quả đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7 triệu đồng/năm (2012) đến nay đạt 9 triệu đồng/năm.

Mọi sự nỗ lực đều dẫn đến thành công. Khoa đã được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 5 năm liền; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh Top 20 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác xuất sắc toàn quốc năm 2015. Đồng thời, Khoa được tín nhiệm bầu giữ chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã định biên theo Nghị định 92, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tuy nhiên, đối với Khoa, mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Khoa chia sẻ: “Hiện tại tôi đang triển khai thực hiện Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Điền. Đây là đứa con tinh thần của tôi, tôi mong muốn qua Hợp tác xã có thể giúp nhân dân được nhiều hơn trong việc xóa đói giảm nghèo. Đồng thời đưa giấc mơ của mình ngày càng bay xa hơn, cao hơn và chạm đích cũng trọn vẹn hơn”.


Bài, ảnh: H.HOA


 


.