Khi người trẻ khát khao làm giàu

10:05, 18/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là Kiều Thanh Chí (23 tuổi) ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp và Phạm Quang Dự (27 tuổi) ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức). Họ đều là những thanh niên 9X, nhưng ý chí khao khát làm giàu, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương vô cùng mạnh mẽ.

Vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu sau vài năm kiên trì theo đuổi đam mê, giờ đây hai chàng trai trẻ đã gặt hái được những quả ngọt ban đầu...

Chủ của 4 cửa hàng ăn uống

Có niềm đam mê kinh doanh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Kiều Thanh Chí quyết định chọn thi vào ngành maketing hệ cao đẳng của Trường Đại học FPT. Song song với việc học, Chí tập tành kinh doanh. Cuối năm 2015, tốt nghiệp ra trường, Chí làm nhân viên maketing cho một công ty kinh doanh về rượu, bia, thực phẩm ở Sài Gòn. Miệt mài làm việc hơn nửa năm, có được chút ít tiền tích lũy từ những công việc trước đó, Chí quyết định nghỉ việc công ty, dành một tháng để đi học, tìm hiểu về cách làm đồ ăn Hàn Quốc với ý định kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống này tại quê nhà.

Dù chỉ mới 23 tuổi nhưng Kiều Thanh Chí đã là chủ của chuỗi 4 cửa hàng ăn uống (người đứng giữa mặc quần tây, áo sơ mi).
Dù chỉ mới 23 tuổi nhưng Kiều Thanh Chí đã là chủ của chuỗi 4 cửa hàng ăn uống (người đứng giữa mặc quần tây, áo sơ mi).


Tháng 5.2016, Chí mở cửa hàng đầu tiên chuyên bán đồ ăn Hàn Quốc tại TP.Quảng Ngãi mang tên Kitachi. Nhờ sự kỹ lưỡng trong khâu nhập thực phẩm, cách chế biến tinh tế, hợp khẩu vị mà trung bình một ngày, quán ăn của Chí luôn có từ 300- 500 lượt khách. Nối tiếp thành công của quán ăn đầu tiên tại quê nhà, Chí liên tiếp mở thêm chuỗi 3 cửa hàng mang thương hiệu Kitachi tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, với tổng số nhân viên hơn 50 người.

Trở thành ông chủ từ thợ sửa xe

Gia đình không có điều kiện kinh tế, lại đông anh em, nên quá trình lập nghiệp của Phạm Quang Dự (27 tuổi) gặp nhiều gian truân. Sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì chọn con đường thi vào đại học như các bạn đồng trang lứa, Dự chọn học nghề, làm thợ sửa xe, để có tiền giúp đỡ gia đình và sớm có tiền tích lũy, để về quê thực hiện ước mơ mở trang trại.

Hơn 4 năm vừa học, vừa làm ở Sài Gòn, chắt chiu được gần trăm triệu đồng, năm 2013, Dự quay về quê khởi nghiệp bằng nghề... nuôi thỏ. Đến giữa năm 2013, với 50 con thỏ giống ban đầu, sau vài năm chăn nuôi, thời điểm cao nhất, “trang trại” thỏ của anh lên đến hơn 1.500 con. Với mỗi ký thịt thỏ dao động từ 80-100 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi tháng anh xuất bán khoảng 300kg thịt, trừ các chi phí, Dự thu về gần 20 triệu đồng.

Tưởng thành công đến dễ dàng, nhưng rồi cuối năm 2016, sau trận lũ lớn, nguồn nước bị ô nhiễm, do chưa có kinh nghiệm xử lý, nên thỏ đã uống nước giếng nhiễm bẩn và chết hàng loạt. Anh Dự kể: “Chỉ trong 2-3 ngày, hơn 600-700 con thỏ chết trắng, tôi phải tiêu hủy hết. Lúc bấy giờ, trong chuồng chỉ còn vỏn vẹn hơn 30 con giống.

Thế nhưng không nản lòng, Dự lại khôi phục trang trại và nghiên cứu sử dụng thêm đệm lót sinh học, để tạo môi trường sạch sẽ, vệ sinh cho thỏ. Giờ đây, số lượng thỏ đã được gây dựng, với hơn 800 con. Dự phấn khởi chia sẻ: Có thất bại mới có thành công và đó như bài học của mình. Sắp tới, tôi sẽ xây dựng thêm chuồng trại để nuôi bồ câu. Tôi tin nếu có sự quyết tâm và chịu khó học hỏi, cần cù thì mọi ước mơ đều có thể thực hiện được.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.