Đổi mới công tác Đoàn để thu hút thanh niên

01:04, 06/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đổi mới phương thức sinh hoạt và tập hợp thanh niên là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với công tác Đoàn trong tình hình hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Có như vậy, tổ chức đoàn mới trở thành điểm tựa, đồng hành với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong học tập, lao động và trưởng thành.  

Sáng tạo trong xây dựng mô hình   

Trong điều kiện khó khăn của địa phương miền núi, để có kinh phí cho các hoạt động của Đoàn, đầu năm 2016, Chi đoàn thôn Tây, xã Trà Thọ (Tây Trà) huy động 23 ĐVTN nhận khoáng thu hoạch keo, phát dọn nương rẫy... Tiền công mỗi người được trả 100 nghìn đồng/ngày. Với số tiền trên, mỗi người tự nguyện trích 50 nghìn đồng để nộp vào quỹ đoàn. Qua một năm thực hiện, mô hình thanh niên làm công góp quỹ của Chi đoàn thôn Tây đã tích góp cho quỹ đoàn được hơn 11 triệu đồng.

Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh miễn phí cho người nghèo.
Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh miễn phí cho người nghèo.


Bí thư Huyện đoàn Tây Trà Võ Hồng Tín chia sẻ: "Do khó khăn về kinh phí, nên phong trào Đoàn ở các xã miền núi chưa được sôi nổi. Mô hình của ĐVTN thôn Tây, xã Trà Thọ thể hiện tính sáng tạo, tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động của chi đoàn; đồng thời khuyến khích được ĐVTN ở địa phương tích cực lao động sản xuất, vừa cổ vũ được phong trào Đoàn ở cơ sở".  

Không chỉ ở các địa phương miền núi, ngay cả đối với các xã khu vực đồng bằng cũng gặp khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên. Điều này đặt ra yêu cầu cho tổ chức đoàn cơ sở, phải đổi mới trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
 

Gắn kết đoàn viên là ngư dân

Với đặc thù là huyện hải đảo, hầu hết thanh niên mưu sinh trên những chuyến biển  dài ngày, nên công tác tổ chức tập hợp thanh niên ở Lý Sơn là bài toán nan giải. Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết, từ khó khăn nói trên, Câu lạc bộ (CLB) “Ngư dân trẻ Lý Sơn” được thành lập. Gần 3 năm qua, CLB đã tập hợp thanh niên là ngư dân cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ trong đánh bắt hải sản tại các ngư trường xa bờ. Thành viên CLB “Ngư dân trẻ Lý Sơn” tự nguyện gắn kết với nhau, hoạt động theo điều lệ, quy chế. “Sau khi gắn kết với nhau, trở thành thành viên của CLB, chúng tôi đã tăng cường giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi hành nghề trên biển. Thông qua Icom chúng tôi trao đổi những công việc cần thiết và động viên nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ngư dân Dương Đình Phú, thành viên CLB “Ngư dân trẻ Lý Sơn”, chia sẻ.

Với Đoàn xã Đức Minh (Mộ Đức), ngoài các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, định hướng cho thanh niên trong sản xuất, kinh doanh, cổ vũ thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, còn thành lập các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật... Đặc biệt, 2 năm qua, Đoàn xã Đức Minh đã định hướng cho thanh niên địa phương thành lập tổ hợp tác, với việc mua 3 máy gặt lúa liên hợp, để phục vụ cho bà con xã viên trong xã. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều ĐVTN ở địa phương, mỗi năm tổng nguồn thu hơn 350 triệu đồng. Qua những mô hình, hoạt động thiết thực đã tạo cơ hội, điều kiện để các chi đoàn tập hợp, đoàn kết thanh niên,  “giữ chân” ĐVTN gắn bó với quê hương, từng bước củng cố và phát triển phong trào Đoàn ở địa phương.

Đổi mới phương thức sinh hoạt

Để hoạt động, phong trào Đoàn đạt hiệu quả, thủ lĩnh đoàn nhiệt huyết thôi chưa đủ. Tổ chức đoàn phải luôn đổi mới nội dung, cách thức triển khai chương trình, đưa phong trào đến với thanh niên, gắn bó cùng thanh niên, thiết thực cho thanh niên... Có như vậy, mới có thể thu hút thanh niên tích cực tham gia hoạt động đoàn.

Gần 3 năm qua, Huyện đoàn Sơn Hà đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn thôn. Ngay từ đầu năm, Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch để Thường trực Huyện đoàn hằng tuần về sinh hoạt ở các chi đoàn thôn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo Bí thư Huyện đoàn Sơn Hà Võ Thị Xuân Liễu, mỗi tháng, các thành viên Thường trực Huyện đoàn tham gia từ 6 - 8 buổi sinh hoạt với các chi đoàn. Những buổi sinh hoạt như thế, cán bộ Huyện đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, đồng thời tuyên truyền, giải thích để ĐVTN hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế ở các cơ sở đoàn.  

Tại Đoàn Trường Đại học Phạm Văn Đồng, phương thức hoạt động cũng từng bước được đổi mới. Bí thư Đoàn Trường Đại học Phạm Văn Đồng Phùng Thị Phương Thảo cho rằng, đừng quá cứng nhắc về thời gian, chỉ cần lưu ý trong việc xây dựng chủ đề và nội dung sinh hoạt chi đoàn, có khi chỉ cần 30 phút cho một buổi sinh hoạt chi đoàn, nhưng đủ để gây ấn tượng, hấp dẫn ĐVTN.


Bài, ảnh: NG.TRIỀU - X.THIÊN

 

Đoàn phải đáp ứng được nhu cầu chính đáng của thanh niên

 

Đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo. Theo anh Thảo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xác định rõ phương châm cơ bản xây dựng tổ chức đoàn: “Chất lượng cơ sở là trọng tâm; cán bộ là then chốt; đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu”.

-PV: Hiện nay, có một bộ phận thanh niên không mấy mặn mà với tổ chức đoàn, hội. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Anh Đặng Minh Thảo: Thời gian qua, tổ chức đoàn, hội trên địa bàn tỉnh đã phát động thực hiện nhiều chương trình, cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia, trở thành môi trường rèn luyện cho người trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn bộ phận thanh niên thờ ơ với tổ chức đoàn, hội. Do đó, tìm tòi, nghiên cứu và tổ chức những chương trình hoạt động mới, hấp dẫn, thu hút ĐVTN tham gia đang là một trong những vấn đề trọng tâm, có ảnh hưởng trực tiếp uy tín, vị trí của tổ chức đoàn, hội hiện nay. Để có những hoạt động hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của thanh niên, các hoạt động đoàn cần gắn với nhu cầu chính đáng của thanh niên.

Các hoạt động, phong trào của đoàn sẽ hướng mạnh về cơ sở. Đó là cách vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng, vừa giúp cán bộ đoàn cơ sở, ĐVTN địa phương hiểu và cảm nhận được ý nghĩa của các công trình, phần việc được thực hiện.

-PV: Khi mạng xã hội đã trở nên phổ biến, anh có cho rằng cách tập hợp thanh niên truyền thống mà Đoàn đã làm thời gian qua còn phù hợp?

Anh Đặng Minh Thảo: Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh đã tác động đến sinh hoạt ở cấp chi đoàn, ảnh hưởng đến phương thức tổ chức hoạt động đoàn, hội, thậm chí có những thông tin tiêu cực làm lệch lạc nhận thức của một số bạn trẻ. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, mạng xã hội cũng giúp cho đoàn, hội hiểu người trẻ hơn, giúp việc chuyển tải thông điệp, chủ trương của đoàn, hội tới cộng đồng nhanh hơn. Tuy nhiên, xét cho cùng, mạng xã hội không thể thay thế cách sinh hoạt đoàn truyền thống được.

Mỗi buổi sinh hoạt đoàn là nơi để mọi người gặp gỡ “thật”, trò chuyện “thật” và không phải vấn đề gì cũng thảo luận qua mạng được. Dẫu vậy, trước tình hình công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, đoàn, hội phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới nội dung và phương thức trong tập hợp, sinh hoạt, tạo điều kiện để đoàn viên có thể tham gia góp ý hoạt động cho đoàn, có điều kiện tiếp tục cống hiến.


NG.TRIỀU - X.THIÊN (thực hiện)

 




 


.