Những bức thư "gửi người mai sau"
Kỳ 3: Gửi người mai sau

09:10, 17/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trong chiến tranh, đã có những liệt sĩ để lại những cuốn nhật ký như chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc và nhiều người khác. Nhưng cũng có những liệt sĩ chỉ để lại những bức thư gửi về cho gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng là một trường hợp như vậy. Điều kỳ lạ là số lượng những bức thư mà liệt sĩ Hùng gửi lên tới con số 60, và đủ in thành một quyển sách. Nếu được in, thì đó là một quyển sách chỉ gồm toàn những bức thư. Tôi có cảm giác, khi viết những bức thư ấy, Phạm Ngọc Hùng không chỉ gửi về cho cha mẹ anh em mình, mà anh còn như muốn ký thác một nỗi niềm gì.

Bây giờ, 45 năm sau khi anh Hùng hy sinh, đọc lại những bức thư của anh gửi cho gia đình, lại cảm thấy như những bức thư ấy muốn gửi tới cả những thế hệ thanh niên đang sống hôm nay. Và đây là những dòng thư đầy tình cảm mà Phạm Ngọc Hùng gửi về cho em gái:

“Kim Anh thương yêu của Anh!

Anh vừa đi công tác xa đơn vị hơn chục ngày nay rồi hôm nay về nhà nhận được 2 thư của em: 1 lá tháng 2 - 1 lá tháng 4 và 1 thư của em Hiệp gửi tháng 4. Anh mừng quá. Hôm nay anh được nghỉ vội viết thư cho em ngay. Mong sao ngọn gió lành của trời Nam đêm nay thổi về phương Bắc cho cô em gái của anh những dòng tình cảm thương nhớ này nhé.

Em yêu quí của anh. Đọc thư em, anh cảm thấy rất vui. Kim Anh của anh không còn là một cô gái bé bỏng như ngày nào nữa. Em gái của anh đã lớn lên nhiều, trưởng thành - chững chạc và hồn nhiên. Vì chẳng gì anh em mình cách xa nhau đã gần 2 năm trời rồi và biết đâu thư này đến tay em thì em đã làm xong bài thi tốt nghiệp đã là người của Nhà nước rồi - Ôi! nhanh quá - Bao nhiêu sự đổi thay của 2 năm trời xa cách anh không hình dung nổi nữa - cả nhóc Hiệp nữa anh cũng thấy nó lớn lên nhiều bởi 2 chữ “Soạn văn” mà nó vừa làm trước khi viết thư cho anh. Thế là nhận được thư này của anh thì Hiệp đã là học sinh cấp III rồi còn Yến thì đã đường hoàng là sinh viên của một trường đại học nào đó rồi nhỉ - Anh cũng rất mừng vì tất cả anh chị em nhà ta đã trưởng thành, giúp đỡ Cậu Mợ được nhiều làm cho Cậu Mợ cũng bớt vất vả như trước kia anh ở nhà”.

Có một người con gái cùng học một lớp với Phạm Ngọc Hùng, sau này là một dược sĩ. Bao nhiêu năm sau khi Phạm Ngọc Hùng hy sinh, vào những ngày cuối cùng trên giường bệnh, người nữ dược sĩ ấy bỗng thổ lộ với người thân về mối tình đầu của mình. Một mối tình “học trò” mà chị ấp ủ qua mấy chục năm, qua cái chết của người con trai chị thương yêu. Và người chị yêu, đó là Phạm Ngọc Hùng.

 

Ảnh chụp gia đình liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng
Ảnh chụp gia đình liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng


Đó là một tình yêu trong trẻo như những giọt sương mai mà ở miền Bắc ngày ấy có bao người đã trải qua, đã cảm nhận. Nó mang màu sắc Thanh giáo, giống như mối tình mà chị Đặng Thùy Trâm đã mang theo từ Hà Nội vào chiến trường Quảng Ngãi.

Có thể các bạn thanh niên bây giờ yêu khác với thế hệ thanh niên hồi ấy, nhưng khi đọc lại những cuốn nhật ký, những bức thư của những người yêu nhau thời ấy gửi từ chiến trường về hậu phương hay từ hậu phương ra chiến trường, chúng ta có thể thấy được cái mãnh liệt được nén lại của tình yêu, sự thủy chung đầy chứa chất hiện lên qua mỗi dòng chữ.

Đó là tình yêu thời chiến tranh. Mà ai cũng biết, chiến tranh dường như không có chỗ cho tình yêu. Vậy mà những người con trai con gái ngày ấy vẫn yêu nhau, vẫn chờ đợi nhau trong khắc khoải. Rất nhiều “một nửa” của những mối tình ấy đã không bao giờ còn trở về, còn có ngày sum họp. Nhưng vì sao, tình yêu cứ còn sống mãi trong lòng những người đã mất người yêu, mất mối tình gần như duy nhất của mình?

Khi được nghe câu chuyện về mối tình sống trong lòng người phụ nữ dược sĩ suốt mấy chục năm, mà trước khi chết chị mới thổ lộ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặc biệt xúc động. Ông đã sống qua thời chiến tranh ấy, và đã biết những mối tình như thế có sức sống ghê gớm như thế nào.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam có thể sưu tầm, tập hợp những câu chuyện tình yêu thời chiến tranh chống Mỹ và in thành một quyển sách cho các bạn thanh niên hôm nay đọc. Tôi nghĩ, đó sẽ là một quyển sách được thanh niên hôm nay đón nhận, dù tình yêu ngày trước có khác với tình yêu bây giờ về phương thức thể hiện.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng trong suốt chặng đường hành quân dài dặc của mình, trong suốt thời gian sống trong chiến trận của mình hẳn đã mang trong tim hình bóng một người con gái Hà Nội, mang theo những xúc cảm tình yêu đầu tiên, và với Hùng, là cuối cùng.

Với 60 bức thư gửi về gia đình, người thân không đọc thấy một dòng nào Phạm Ngọc Hùng viết về người con gái mình yêu. Câu chuyện ấy có thể chìm sâu sau khi Hùng hy sinh. Vậy mà hơn 40 năm sau, đột nhiên nó sống lại qua những lời trăn trối của một người phụ nữ. Khi tôi viết xong trường ca “Metro” vào năm 2009, tôi cũng gặp một trường hợp rất bất ngờ như vậy.

Sau khi trường ca được in trên báo Văn Nghệ, một buổi sáng tôi nhận được điện thoại từ một người lạ. Một giọng phụ nữ mà tôi đoán ngay là người Hà Nội. Chị ấy nói, có một nhân vật trong trường ca của tôi tên là T… một dược sĩ đã hy sinh sau khi vượt qua Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, chị đọc và có cảm giác đó chính là người bạn trai, chính xác hơn là người yêu vốn học cùng lớp dược sĩ cao cấp với chị.

Chị nói đúng đặc điểm của người ấy, và tôi công nhận ngay, người bạn dược sĩ cùng đi trên Trường Sơn với tôi, cùng trải qua những ngày sốt rét với tôi chính là người ấy. Đã 38 năm sau khi người dược sĩ nhân hậu ấy hy sinh, có một người phụ nữ đã thổ lộ đó chính là mối tình đầu của mình. Tôi đã không cầm được nước mắt. Quả thật, ở nước ta thời chiến tranh không hiếm những trường hợp như thế.

Và đó cũng là câu chuyện mà liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng không nói ra, nhưng anh muốn âm thầm gửi lại cho những người mai sau, cho thế hệ thanh niên bây giờ.

Chúng ta đã từng có một thế hệ thanh niên biết yêu thương, thủy chung, dâng hiến và hy sinh như thế.   

                                

Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội LHTN VN
                                                    Thanh Thảo

     
 

 


.