Hành trình không lời

10:05, 04/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là những đứa trẻ khiếm thính, cuộc sống muôn vàn khó khăn, trở ngại, dẫu vậy các em vẫn khát khao sống, luôn nỗ lực học tập như những trẻ em bình thường khác. Lê Đinh Hoàng Quyền (13 tuổi) và Bùi Minh Quang (16 tuổi) là những đứa trẻ như thế.
 

TIN LIÊN QUAN


Bố đã cho em động lực trong cuộc sống

Thoạt nhìn, ông là một người cha có dáng vẻ khắc khổ, gương mặt đượm buồn. Bởi lẽ, cả ba người con ông dứt ruột đẻ ra đều là những đứa trẻ khiếm thính. Dẫu vậy, trước mặt các con, ông luôn nở nụ cười trên môi. Ông bảo: “Mình phải cười, phải luôn yêu đời để là chỗ dựa tinh thần cho các con. Chứ mình u sầu thì...”.

Giờ giải lao, Quang (bên trái) cùng các bạn tìm niềm vui trong bàn cờ vua.
Giờ giải lao, Quang (bên trái) cùng các bạn tìm niềm vui trong bàn cờ vua.


Đưa tay về phía các sản phẩm gỗ do chính đôi tay mình tạo ra, ông Bùi Thanh, cha của em Bùi Minh Quang, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), thổ lộ: “Đôi tay mình tạo ra những sản phẩm chỉnh chu đến vậy, nhưng lại không thể mang lại cho con mình một cơ thể toàn vẹn!”. Để bù lại cho con, khi đến tuổi đi học, ngày nào ông Thanh cũng thức dậy từ tờ mờ sáng, vượt đoạn đường hơn 20 cây số để đưa con tới Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh. Buổi chiều, khi Quang vừa kết thúc lớp học thì ông đã có mặt ở sân trường. Do không thể nghe và nói nên việc giao tiếp của hai cha con khá khó khăn. Thế là ông Thanh cũng mày mò học ngôn ngữ tay để có thể nói chuyện với con mình. Cứ như thế, tình yêu của người cha đã truyền động lực cho Quang trong cuộc sống.

Từ động lực đó, Quang luôn nỗ lực học tập và đạt được nhiều thành tích cao. Không những vậy, em còn thể hiện năng khiếu ở môn cờ vua. Từ năm 2011 đến nay, Quang đã mang về 6 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng môn cờ vua ở các Hội thi Thể dục – Thể thao toàn quốc dành cho học sinh khuyết tật. Ông Thanh tự hào, nói: “Cháu nó học tốt, đam mê cờ vua nên gia đình cũng mừng lắm. Giờ cháu nó đã lớn và chững chạc hơn hẳn, biết chăm sóc và quan tâm đến hai em”.

Nỗ lực từng ngày

Những ngày cuối tháng 4, lớp khiếm thích 6-5 của Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng rộn ràng cùng tiếng ve gọi hè về. Không như những trẻ khuyết tật khác, trẻ khiếm thính học bằng ngôn ngữ cử chỉ (tay) chứ không phải bằng lời, nhưng không khí trong lớp học luôn sôi động, vì các em không ngừng đặt câu hỏi cho cô giáo. Ngôn ngữ tay, ngôn ngữ hình thể mà các em thể hiện cũng đầy đủ ngữ điệu, đầy đủ cảm xúc không khác gì lời nói.

Trong không gian của lớp học, có rất nhiều bức tranh vẽ đầy màu sắc, sinh động, tươi vui. Đó là những tác phẩm của cặp chị em Lê Đinh Hoàng Quỳnh (15 tuổi) và Lê Đinh Hoàng Quyền (13 tuổi) đều là trẻ khiếm thính. Quyền có nhiều thành tích trong môn cờ vua và bóng bàn ở các Hội thi toàn quốc. Chị em Quyền còn rất thích vẽ. Cô giáo Lý Thị Thảo – chủ nhiệm lớp 6-5 cho biết: Những bức tranh của 2 em chính là những bày tỏ không lời về những trải nghiệm cuộc sống mà các em có được. Vừa nhanh tay hoàn thành bức vẽ của mình, Quyền vừa ra dấu bảo: “Sau này em muốn làm nghề thiết kế. Giờ thì cố gắng học thật tốt, vẽ thật đẹp. Chúng em còn biết múa và nhảy nữa nhé. Đa tài không?”.

Mặc dù bị khiếm thính nhưng Quang và chị em Quyền rất ham học hỏi. Từng là học sinh của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, nhưng vì trường chỉ đào tạo hết bậc tiểu học nên sau khi hoàn thành bậc học các em phải nghỉ. Khi Trung tâm Võ Hồng Sơn được thành lập và có đào tạo bậc THCS, các em cũng trở thành những học sinh đầu tiên của trung tâm. Trong ngôi trường mới, các em tiếp tục nuôi lớn ước mơ của mình.

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.