Cổ tích một chuyện tình

02:01, 05/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Anh là con trai một, điển trai, khỏe mạnh. Chị là nạn nhân chất độc da cam, teo cơ, ốm yếu. Hai con người có hai hoàn cảnh, hai số phận khác nhau lại tìm thấy nhau, yêu nhau. Tình yêu đẹp như câu chuyện cổ tích giữa đời thường của hai người đã làm lay động trái tim biết bao người.

Em tật nguyền…

Khi mới sinh ra, chị Huỳnh Thị Hồng Nhung (27 tuổi) ở phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) không có được cơ thể và sức khỏe bình thường như bao đứa trẻ khác. Bởi cả ba và mẹ chị đều là thương binh, bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ba chị là thương binh hạng 1 (thương tật 81%), mẹ là thương binh hạng 2 (thương tật 71%). “Nỗi đau thể xác mà giờ tôi vẫn gánh chịu sau chiến tranh chẳng là gì khi nhìn thấy đứa con gái duy nhất, bé bỏng của mình sinh ra lại không được lành lặn, bình thường”, mẹ chị Nhung xót xa nói.

Ngày 18.5.2014, anh chị đã thành vợ chồng, viết nên một chuyện tình cổ tích giữa đời thường.                                                  Ảnh: H.THU
Ngày 18.5.2014, anh chị đã thành vợ chồng, viết nên một chuyện tình cổ tích giữa đời thường. Ảnh: H.THU


Tưởng chừng, Nhung chỉ có thể sống một cuộc đời “vô nghĩa” với căn bệnh bại não bán phần, nhưng cô gái có thân hình nhỏ bé, yếu ớt ấy lại có một nghị lực phi thường và tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Khao khát được đến trường, đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa chưa bao giờ thôi tắt trong Nhung. Đôi bàn tay cong queo vẫn hằng đêm nắn nót từng con chữ.

Những cơn đau do bị chuột rút, những lần hoa mắt vì ngồi học quá lâu, không làm Nhung nản chí, bỏ cuộc. Ba chị Nhung là ông Huỳnh Công Sơn tâm sự: “Chăm con bé đã vất vả, cho nó đi học còn vất vả gấp bội lần. Nhưng vì nó ham học, lại có ý chí nên là bậc cha mẹ, phải biết tiếp sức, cố gắng cùng con”. Nhung đi học là cả nhà cùng đi học. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ba mẹ trở thành đôi chân của Nhung, giúp Nhung đến trường. Không phụ lòng gia đình, 12 năm học, Nhung đều đạt học sinh khá và thi đại học với số điểm 14,5. Sức khỏe yếu, chị không thể theo đuổi chặng đường đại học 4 năm ở Sài Gòn, nên chọn học ngành dược của Trường Trung cấp Y tế Quảng Ngãi (nay là Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm). Sau hai năm theo học, chị tốt nghiệp với tấm bằng khá, trước sự cảm phục của mọi người.

…nhưng anh vẫn yêu em

Ra trường tháng 10 năm 2013, chị ấp ủ dự định mở một quầy thuốc tây nhỏ để kinh doanh thì cũng là lúc chị gặp được một nửa trái tim còn lại của cuộc đời.  Người con gái có ngoại hình đặc biệt ấy chưa từng một lần dám nghĩ, mình sẽ được yêu. Chị bẽn lẽn, kể: “Lúc anh xin số điện thoại và nick facebook của mình. Mình chỉ nghĩ anh xin cho vui. Không ngờ…”. Người con trai xin làm quen với chị là anh Bạch Văn Hiền (28 tuổi) ở xã Tịnh An (Sơn Tịnh) – một thanh niên điển trai, mạnh khỏe. Dường như trời xe duyên từ trước thì phải, hai con người xa lạ, khác nhau mọi thứ lại tìm được tiếng nói chung và có sự đồng cảm dành cho nhau. Anh Hiền chia sẻ: Nhung là cô gái thông minh và rất bản lĩnh. Dù chân tay không được lành lặn, khuyết tật về mặt thể chất nhưng tâm hồn thì vô cùng ấm áp. Gần một tháng nói chuyện, tôi đã yêu cô ấy.

Những tháng ngày mới yêu nhau, những lời bàn tán của dư luận về việc “chồng xinh vợ xấu”, “chồng lành vợ bệnh”, đã có lúc làm anh chị mệt mỏi, áp lực… Nhưng càng nhiều sóng gió, anh chị lại càng gắn bó và thương yêu nhau nhiều hơn. Nhìn chị bằng ánh mắt trìu mến, anh Hiền nói: “Tình yêu thật khó lý giải. Nó cứ đến tự nhiên và mình có thể làm mọi thứ vì người mình yêu”. Bằng tình yêu chân thành của anh, sự hiểu biết, nết na của chị đã thuyết phục mọi người, trong đó có cả gia đình của anh Hiền. Ngày anh chị nên vợ nên chồng, 18.5.2014 bà con lối xóm, họ hàng hai bên ai cũng vui mừng và chúc phúc.

Và rồi chuyện tình yêu ấy lại càng đẹp, trọn vẹn hơn khi anh chị lại sắp đón chào một thiên thần nhỏ. Hiện nay, thai nhi đang gần 7 tháng và hoàn toàn khỏe mạnh. “Chưa bao giờ tôi dám tin mình có thể mang thai và em bé lại phát triển bình thường”, chị Nhung xúc động nói. Lúc chưa có thai, chị Nhung vốn đã yếu, đi lại không được linh hoạt hay đau ốm. Thế nhưng người phụ nữ mỏng manh, bé nhỏ ấy vì sức mạnh của tình yêu, của tình mẫu tử đã cùng chồng tạo nên một điều kỳ diệu.

Hằng ngày, anh vẫn chăm sóc cho chị, chẳng phải “vì mắc nợ nhau mà đến với nhau”. Bởi anh tìm thấy hạnh phúc, ấm áp khi bên cạnh chị- một người con gái có tấm lòng, nhân cách tuyệt vời. Còn với chị, anh Hiền là “người chồng mẫu mực”. Sau khi sinh em bé, anh sẽ vẫn tiếp tục là anh nông dân cần cù, còn chị sẽ mở một tiệm thuốc tây như dự định từ trước. Cả hai cùng yêu thương, che chở, bù đắp cho nhau để cùng viết nên câu chuyện tình yêu tưởng chừng như cổ tích lại hiện hữu giữa cuộc sống đời thường này.

Hiền Thu
 


.