Lưu danh Sách vàng Sáng tạo

09:02, 06/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018 được tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2.9, Quảng Ngãi vinh dự có bốn công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ được vinh danh.

Thành công từ niềm đam mê

Tại Triển lãm quốc tế về Khoa học và Công nghệ 2018 (SIIF 2018) được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc), công trình “Nâng cao độ tin cậy và tối ưu hóa vận hành trạm giảm ôn, giảm áp trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” của thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Giám sát Ban vận hành sản xuất, Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và cộng sự đã được trao Huy chương Đồng.

Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất về KH&CN, được Hiệp hội Thúc đẩy sáng kiến, sáng chế Hàn Quốc (KIPA) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức thường niên. Riêng năm 2018 có sự tham gia của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 603 công trình, sáng kiến.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh trong ca làm việc.                                                                                    Ảnh: P.DANH
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh trong ca làm việc. Ảnh: P.DANH


Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, giải pháp này đã áp dụng thành công vào vận hành NMLD Dung Quất từ tháng 7.2016, góp phần vận hành an toàn, ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho BSR, với số tiền tiết kiệm mang lại gần 12,5 tỷ đồng.

Trước Nguyễn Ngọc Thanh, cũng từ “lò nghiên cứu” BSR đã có một công trình đạt giải vàng tại Hội chợ triển lãm quốc tế năm 2017, do WIPO và Hiệp hội các nhà sáng tạo quốc tế (IFIA) tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc); đồng thời được Hiệp hội các nhà nghiên cứu khoa học Malaysia trao giải đặc biệt. Đó là công trình “Điều khiển tự động và tối ưu năng lượng cho lò gia nhiệt phân xưởng chưng cất dầu thô, NMLD Dung Quất” của kỹ sư Đào Xuân Giỏi và cộng sự.

Một doanh nghiệp, hai sáng kiến

Trong số 73 công trình được lưu danh vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2018, thì Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) có đến 2 công trình, gồm: “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ cơ giới hóa, sinh học hóa, hóa học hóa, tối ưu hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và tiếp nhận mía” của nhóm tác giả: Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc QNS và Nguyễn Đình Chỉnh - Giám đốc Xí nghiệp cơ giới nông nghiệp An Khê (QNS) cùng cộng sự.

Cùng với đó là công trình: “Nghiên cứu ý tưởng, thiết kế công nghệ, chế tạo; lắp đặt đưa vào vận hành hệ thống bốc hơi gia nhiệt, tích hợp tự động hóa hiện đại nhằm nâng cao năng suất và hiệu suất trong sản xuất ngành mía đường” của kỹ sư Nguyễn Thị Minh Uyên (chủ nhiệm), Võ Thành Đàng (đồng chủ nhiệm) và cộng sự.

 Kỹ sư Nguyễn Thị Minh Uyên và Võ Thành Đàng (ngoài cùng bên trái) được trao giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14, hai công trình được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018.                                                                                                                                       Ảnh: P.DANH
Kỹ sư Nguyễn Thị Minh Uyên và Võ Thành Đàng (ngoài cùng bên trái) được trao giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14, hai công trình được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018. Ảnh: P.DANH


Kỹ sư Nguyễn Đình Chỉnh cho biết: Các nội dung của giải pháp đã được QNS áp dụng từ năm 2014 đến nay. Sáng kiến này đã được triển khai nhân rộng và liên tục cải tiến để áp dụng 100% trong chuỗi sản xuất mía - đường của công ty. Ước tính hiệu quả kinh tế mang lại trong vòng đời 10 năm là 5.800 tỷ đồng, trong đó có lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia mà trọng tâm là người trồng mía.

Đồng thời, giải pháp tạo ra một phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hoàn toàn mới; kết hợp công nghệ cao, công nghệ thông minh và cơ hội từ công nghiệp 4.0. Qua đó, góp phần quan trọng cho doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm đủ sức cạnh tranh với ngành đường trong nước và trên thế giới.

Còn nữ kỹ sư Nguyễn Thị Minh Uyên, chuyên viên kỹ thuật của QNS cho biết: Công trình của chị và cộng sự nghiên cứu có khả năng áp dụng trong các nhà máy đường ở Việt Nam và trên thế giới. Hiện toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ theo thiết kế hiện đại đều được gia công chế tạo tại Nhà máy Cơ khí (QNS), chi phí đầu tư thiết bị chỉ gần bằng 2/3 chi phí so với thiết bị ngoại nhập, đồng thời kỹ thuật công nghệ được tự chủ hoàn toàn.

Nhờ đó, tiết kiệm chi phí đầu tư so với thiết bị nhập ngoại trên 54,7 tỷ đồng; giá trị làm lợi hằng năm cho công ty trên 217,5 tỷ đồng. “Đây là hệ thống thiết bị theo công nghệ hiện đại trong ngành đường trên thế giới và lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam”, chị Uyên khẳng định.

Sáng tạo trong giảng dạy

Đó là giải pháp “Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành tài chính doanh nghiệp thông qua xây dựng phòng thực hành ảo” của Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Văn Khâm, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Tài chính - Kế toán) và cộng sự.

Tiến sĩ Lê Văn Khâm cho biết: Công trình được xây dựng từ việc mô phỏng hoạt động quản trị tài chính của một công ty cổ phần. Nhóm tác giả đã tìm hiểu thực tế từ một số DN trên địa bàn Quảng Ngãi, thu thập thông tin, xây dựng bộ tài liệu và phần mềm xử lý dữ liệu liên quan đến toàn bộ công tác quản trị tài chính doanh nghiệp (TCDN).

Đây là một công trình hoàn toàn mới, là phần mềm thực hành ảo đầu tiên đáp ứng nhu cầu thực hành chuyên môn cho sinh viên chuyên ngành TCDN tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán. Các chuyên đề được thiết kế bám sát với lý thuyết, nên có sự liên kết cao, phản ánh đầy đủ các nội dung trong công tác quản lý tài chính của DN mà hiện nay các phần mềm trên thị trường chưa đề cập đến.

Giải pháp này còn thể hiện rõ phương châm “Học đi đôi với hành”, phù hợp với chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng của trường. Đồng thời, giúp sinh viên tiếp cận công việc thực tế nhanh chóng, từ đó giảm chi phí đào tạo nhân viên mới cho các DN”. Ngoài ra, phần mềm thực hành này hoàn toàn có khả năng ứng dụng trong thực tế tại các DN, hỗ trợ các nhà quản trị DN đưa ra các quyết định tài chính phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.


PHẠM DANH


.