Côn trùng có thể tuyệt chủng hoàn toàn trong vòng một thế kỷ nữa

10:02, 13/02/2019
.
Nghiên cứu khoa học toàn cầu đầu tiên về sự suy giảm của các loài công trùng vừa công bố cho thấy, chúng đang diệt vong một cách nhanh chóng, thậm chí có thể biến mất hoàn toàn trong vòng 100 năm tới. 
 
Nếu côn trùng biến mất, phần lớn thực vật trên Trái đất cũng tuyệt diệt theo.
Nếu côn trùng biến mất, phần lớn thực vật trên Trái đất cũng tuyệt diệt theo.
 
Được công bố trên tạp chí quốc tế Bảo tồn sinh học (Biological Conservation), nghiên cứu nêu rõ khoảng 1/3 số côn trùng trên Trái đất hiện nằm trong tình trạng nguy hiểm và khoảng 40% đối mặt với tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới. 
 
Chia sẻ với báo Guardian, đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học môi trường Francisco Sánchez-Bayo tại Trường Đại học Sydney (Australia) nhận định: “Tình hình hiện rất nguy cấp. Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ mất đi 25% các loài côn trùng và chỉ còn chưa tới một nửa trong 50 năm. Sau một thế kỷ nữa, Trái đất sẽ không còn bóng dáng côn trùng. Nếu chúng ta không thể ngăn chặn tình trạng côn trùng tuyệt chủng, hậu quả sẽ thực sự là thảm họa lớn, không chỉ đối với hệ sinh thái Trái đất, mà cả với sự tồn tại của loài người”. Trong bài phỏng vấn này, ông Sánchez-Bayo cũng chia sẻ một ví dụ thực tế về một chuyến đi dài 700km mới đây qua các vùng nông thôn Australia của gia đình mình mà không hề phải rửa kính lái ô tô do côn trùng dính vào. “Cách đây vài năm, bạn thường xuyên phải làm điều này” – ông nói. 
 
Hiện nay, tổng số côn trùng trên Trái đất đang giảm đi khoảng 2,5% mỗi năm, tức là nhanh gấp đôi động vật có xương sống. Tốc độ “xuống dốc” này thậm chí cao gấp 8 lần so với động vật có vú, chim và bò sát. Trước thực trạng này, các nhà khoa học đã kêu gọi cần nhanh chóng thay đổi cách thức sản xuất lương thực, để tránh việc côn trùng tuyệt chủng hoàn toàn sau vài thập kỷ nữa. 
 
Các nhà khoa học từ lâu đã chỉ trích việc bùng nổ dân số và tiêu thụ quá mức là nguồn gốc khởi đầu của “Đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6” trong lịch sử Trái đất. Về phần mình, các tác giả của nghiên cứu nói trên sau khi thống kê 73 báo cáo liên quan tới việc số lượng côn trùng suy giảm đã khẳng định việc sản xuất nông nghiệp cường độ cao, đặc biệt là sử dụng thuốc trừ sâu; công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu và đô thị hóa là những yếu tố tác động lớn nhất tới sự tồn tại của côn trùng. Các loại thuốc trừ sâu không chỉ tác động ở khu vực chúng được phun, mà còn ngấm vào đất hoặc lan truyền theo nguồn nước, không khí và tàn phá môi trường xung quanh, thậm chí là cả các khu bảo tồn thiên nhiên. Tại Đức, có tới 75% số côn trùng biến mất đều nằm trong các khu vực được bảo vệ. 
 
Theo các đánh giá, bướm và ngài là các loài chịu ảnh hưởng lớn nhất. Số loài bướm trên các khu vực nông nghiệp của Anh đã giảm khoảng 58% chỉ trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI. Hiện nay, Anh cũng là khu vực có tốc độ suy giảm số lượng côn trùng lớn nhất trên thế giới. Ngoài bướm, các loài thuộc bộ cánh màng (Hymenoptera) như ong, tò vò, kiến; bọ hung, chuồn chuồn; và bộ phù du đều thuộc nhóm bị đe dọa hàng đầu. Trong số này, ong cũng đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. Số lượng ong nghệ tại bang Oklahoma (Mỹ) vào năm 2013 chỉ bằng một nửa so với năm 1949, trong khi hơn một nửa trong số 6 triệu cộng đồng ong tại Mỹ vào năm 1947 giờ đây đã biến mất.
 
Cũng theo các tác giả nghiên cứu, những đánh giá hiện nay chủ yếu tập trung ở Tây Âu, Mỹ và một số khu vực tại Australia, Trung Quốc, Nam Mỹ… Vì vậy, nếu mở rộng quy mô thống kê, tình trạng suy giảm côn trùng có thể còn đáng ngại hơn rất nhiều, đặc biệt là ở khu vực châu Á, vốn là nơi nông nghiệp phát triển. 
 
Thực tế, khi nói đến côn trùng, nhiều người chỉ nghĩ đến tác hại của chúng gây ra và thường không nói đến lợi ích đối với môi trường và con người. Trên thực tế chỉ có 0,1% các loài côn trùng đi ngược lại với lợi ích của con người, ví dụ như ong, bướm, kiến… thụ phấn cho các loài thực vật. Mỗi loài đều có vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, tái chuyển đổi dinh dưỡng, qua đó giúp cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường. Thậm chí, một số loài tưởng chừng chỉ phá hoại như dế cũng có khả năng cải tạo đất, tạo môi trường sống cho nhiều loài thực vật và côn trùng khác...
 
Theo Hà Nội mới

.