Nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao

03:11, 09/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Thời gian qua nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá cao về tính ứng dụng. Đó là động lực để cán bộ, giảng viên và sinh viên các trường tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo.

Máy trồng hành tím

Sản phẩm “Thiết kế và chế tạo máy trồng hành tím chạy bằng năng lượng mặt trời” của nhóm sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng là một trong 15 đề tài nghiên cứu khoa học lọt vào vòng chung kết Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Đề tài được hội đồng đánh giá rất cao với ý tưởng mới, xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là đề tài được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp- lĩnh vực có ít đề tài nghiên cứu.  

 

 Máy cắt Plasma Oxy CNC phục vụ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Ảnh: Đ.Sương
Máy cắt Plasma Oxy CNC phục vụ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Ảnh: Đ.Sương


Giảng viên Trần Thanh Tùng - Khoa Kỹ thuật công nghệ (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), người hướng dẫn đề tài chia sẻ: “Tuy đề tài chưa thực sự hoàn thiện, còn phải điều chỉnh một số linh kiện để phù hợp, khoa học hơn, nhưng được đánh giá rất cao và được xét tham gia vòng chung kết là do ý tưởng mới và ứng dụng trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đặt ra”.

Theo thiết kế, máy hoạt động bán tự động, sử dụng năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường. Tổng chi phí lắp đặt một máy chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng. Mỗi giờ máy có thể trồng 1ha hành tím. So với thuê nhân công hiện nay thì việc trang bị một máy trồng hành tím với tính năng như mô tả thì rất có lợi cho người dân.

Đề tài này ra đời xuất phát từ ý tưởng của thầy và trò nhà trường trong một chuyến đi thực tế ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Chứng kiến cảnh người dân trồng hành thủ công, đã thôi thúc Phan Thanh Hưng, sinh viên năm 4, lớp DCK 15B, Khoa Kỹ thuật công nghệ cùng các bạn trong nhóm bắt tay vào nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trần Thanh Tùng.

Hưng cho hay, từ khi hình thành ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm mất 6 tháng. Quá trình thực hiện sản phẩm gặp nhiều khó khăn, vì thiết bị khan hiếm và đòi hỏi độ chính xác cao, nên nhóm phải thay đổi nhiều linh kiện để phù hợp hơn. “Ban đầu, chúng em chỉ quan tâm đến việc hoàn thiện sản phẩm, chứ chưa quan tâm đến tính thẩm mỹ. Vì vậy, khi máy hoàn thành có trọng lượng đến 40kg. Vì thế, hiện nay nhóm đang tháo các thiết bị ra để cải tiến, cắt giảm 50% khối lượng để tạo tính thẩm mỹ và tham dự Cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc Eureka tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 23.11 tới”, Hưng cho biết.

Sáng tạo phục vụ giảng dạy

Để phục vụ hiệu quả cho chương trình đào tạo, giảng dạy sinh viên, nhóm thiết kế gồm 11 giảng viên của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất và một giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh - Phân hiệu Quảng Ngãi đã lên ý tưởng, hình thành đề tài: “Thiết kế và chế tạo máy cắt Plasma Oxy CNC dạng trung bình”. Ý tưởng nghiên cứu thiết kế máy cắt được Phó Trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, kiêm Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Tấn Tại hình thành từ năm 2011, nhưng để thực hiện cần đầu tư về công sức và kinh phí khá lớn. Đến năm 2017, nhóm mới có điều kiện thực hiện ý tưởng.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Tại chia sẻ: Hiện nay, các loại máy cắt kim loại CNC sử dụng cho ngành công nghiệp chế tạo ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất trong nước chủ yếu mua các môđun có sẵn về lắp ráp, sử dụng phần mềm điều khiển của nước ngoài, nên chưa làm chủ được công nghệ thiết kế và chế tạo máy cắt. Bên cạnh đó, máy CNC nhập từ nước ngoài hầu hết đều ghi tiếng Anh, nên gây khó khăn cho quá trình vận hành của công nhân tại các phân xưởng, khó khăn cho việc bảo dưỡng, sửa chữa và tốn kém rất lớn trong việc thuê chuyên gia nước ngoài.

Với ý tưởng đó, nhóm tiến hành phân tích, so sánh, đối chiếu ưu, nhược điểm của các dạng máy cắt khác nhau đang sử dụng trong và ngoài nước để xây dựng cấu hình cơ khí của máy phù hợp với chức năng làm việc, điều kiện sản xuất và phân tích và lựa chọn bộ CNC phù hợp với cấu hình cơ khí đã chọn và tính năng làm việc của máy... Cuối cùng, nhóm xây dựng các bài tập thực hành trên máy cắt phục vụ đào tạo các trình độ trung cấp và cao đẳng.

“Đây là một thiết bị cắt hoàn toàn tự động có năng suất và chất lượng cắt cao. Hình dạng vật cắt đa dạng, có thể kết hợp cắt với đánh dấu tấm thép phục vụ lắp ráp trong quá trình thi công, quá trình bảo dưỡng và sửa chữa được thực hiện đơn giản”, thầy Tại cho hay.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, TS. Nguyễn Hồng Tây nhận định: "Tháng 10.2018, trường đã đưa sản phẩm này vào phục vụ cho công tác giảng dạy. Việc thực hiện đề tài đã tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường nâng cao tay nghề, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo máy cắt kim loại tấm điều khiển bằng CNC".              


 TR.PHƯƠNG- Đ.SƯƠNG

 


.