Thành công nhờ khổ luyện

10:03, 28/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu composit MoS/gC3N4 làm chất xúc tác quang của hai học sinh Đoàn Nguyễn Quốc Nhật và Trần Phan Quang Tân, lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Khiết vừa đoạt giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Nam.


Vừa trở về từ Lâm Đồng sau những ngày tranh tài vất vả, Đoàn Nguyễn Quốc Nhật và Trần Phan Quang Tân vội đến gặp thầy giáo Trương Duy Hướng (dạy môn Hóa học, Trường THPT chuyên Lê Khiết, người trực tiếp hướng dẫn thực hiện dự án) để chia sẻ niềm vui. Tân bộc bạch: "Thầy Hướng không chỉ giúp chúng em nắm vững kiến thức để nghiên cứu mà còn truyền lửa để em tự tin, bình tĩnh khi thuyết trình".

Thầy giáo Trương Duy Hướng (bên trái) cùng học sinh Trần Phan Quang Tân trong một tiết thực hành.
Thầy giáo Trương Duy Hướng (bên trái) cùng học sinh Trần Phan Quang Tân trong một tiết thực hành.


Để nghiên cứu thành công dự án, một năm qua, cả ba thầy trò cùng nhau “vật lộn” với nhiều hóa phẩm, để tìm ra chất xúc tác quang có tỷ lệ tương ứng, giúp xử lý môi trường nước. Thầy Hướng cho hay: Đây là đề tài khó, nhưng có tính khả thi cao.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT năm học 2017-2018 khu vực phía Nam, đoàn Quảng Ngãi  có 6 dự án dự thi, trong đó có 4 dự án đoạt giải. Trường THPT chuyên Lê Khiết đoạt 2 giải (1 giải nhất, 1 giải tư), Trường THPT Phạm Văn Đồng đoạt 1 giải tư, Trường THPT Trần Quốc Tuấn đoạt 1 giải ba.

Hiện nay, nguồn nước thải ở các KCN bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần phải có giải pháp để khắc phục. Dự án ban đầu hướng đến tìm ra phương pháp để xử lý môi trường nước, nhưng không gây nguy hại cho môi trường. Vì vậy, nhóm đã quyết định nghiên cứu tổng hợp vật liệu, để chọn làm chất xúc tác quang. Với chất này, khi sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời sẽ tiến hành quang phân các chất gây ô nhiễm. Khi xử lý hoàn thành, nguồn nước thải ra có khả năng tái sử dụng lại. Đây là hướng nghiên cứu mới, làm sạch môi trường, không để lại hậu quả cho nguồn nước.

Để tìm ra vật liệu làm chất xúc tác quang, Nhật và Tân phải thay phiên nhau khảo sát. Tân cho biết: “Một buổi em chỉ thực hành được hai loại chất. Có những chất biết chắc là được, nhưng tỷ lệ pha trộn quá cao hoặc quá thấp, nên tạo ra những chất không phù hợp. Chúng em phải làm lại từ đầu... Cứ thế, ròng rã gần 3 tháng, em và Nhật nghiên cứu thực hành, cùng nhau trao đổi cặn kẽ từng vấn đề, nên kết quả đem lại khá tốt”.  

Thầy Hướng cho biết thêm: Trong quá trình thực hiện dự án, biết đây là dự án khó, nhưng hai em đã rất quyết tâm, nỗ lực thực hiện. Cái khó của dự án là khi thực hành tổng hợp vật liệu, buộc phải sử dùng lò nung, với nhiệt độ khá cao (khoảng 5500C, thường chỉ ở các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học mới có lò nung để thực hành. Do vậy, để tạo điều kiện cho học sinh thực hành thí nghiệm, nhà trường đã đầu tư thiết bị, tạo thuận lợi trong việc thực hành. Nhờ kết hợp nhuần nhuyễn cả lý thuyết và thực hành, nên dự án của Nhật và Tân đã thành công.

Lần đầu tiên hướng dẫn dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đoạt giải cao, thầy Hướng cười nói: “Ngay sau khi nhận kết quả đoạt giải nhất, tôi đã bắt tay vào việc chọn 5 học sinh chuyên Hóa lớp 10, để tiếp tục bồi dưỡng. Sau 1 tuần “thử sức", sẽ tiếp tục chọn ra 2 học sinh để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học phổ thông năm học 2018 - 2019.

Bài, ảnh: MAI HẠ



 


.