Khơi niềm đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật

09:02, 03/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông trung học, nhằm khơi nguồn đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh.

Trong những năm qua, Trường THPT chuyên Lê Khiết là ngôi trường có bề dày thành tích trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học năm nay, nhà trường có 3/6 dự án được tham gia giải quốc gia. Hai học sinh của trường là Phạm Hồ Thảo Nguyên và Trần Lữ Hạnh Nguyên-đồng tác giả của Dự án Tạo màng bao hữu cơ có đặc tính kháng vi sinh vật dùng trong bảo quản trái cây, do giáo viên Trần Thị Thanh Huyền hướng dẫn, được đánh giá rất cao.

Cô Huyền chia sẻ: Các em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhưng còn non nớt trong việc hình thành các ý tưởng. Vì vậy, giáo viên có vai trò tiếp lửa đam mê cho các em. Đó cũng là nền tảng để các em tiếp tục nghiên cứu sau này.

 Thảo Nguyên (trái) và Hạnh Nguyên bên dự án tạo màng bao hữu cơ có đặc tính kháng vi sinh vật dùng trong bảo quản trái cây.
Thảo Nguyên (trái) và Hạnh Nguyên bên dự án tạo màng bao hữu cơ có đặc tính kháng vi sinh vật dùng trong bảo quản trái cây.


Xuất phát từ thực tế xã hội hiện nay, luôn lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, 3 cô trò đã cùng thảo luận và quyết định thực hiện Dự án Tạo màng bao hữu cơ có đặc tính kháng vi sinh vật dùng trong bảo quản trái cây. Để thực hiện dự án, các em chia nhau thực hiện theo những thế mạnh của mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Phạm Hồ Thảo Nguyên, học sinh lớp 11 Toán 1, thổ lộ: “Chúng em nghiên cứu và tạo ra một cái màng bao sạch thân thiện với môi trường và an toàn khi sử dụng. Khi trái cây vừa được thu hoạch và bỏ vào màng bao hữu cơ sẽ giúp bảo quản trái cây lâu chín hơn; đồng thời hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại”.

Đây là lần đầu tiên Thảo Nguyên và Hạnh Nguyên tham gia cuộc thi KHKT và đạt giải nhất cấp tỉnh. Hạnh Nguyên cho hay, chúng em bắt đầu thực hiện đề tài từ tháng 6.2017. Đây là đề tài khá mới mẻ đối với chúng em, nên nhóm phải tham khảo nhiều tài liệu nước ngoài. Hơn nữa, thiết bị thí nghiệm trong nhà trường còn hạn chế, nên chúng em mất rất nhiều thời gian để thực hiện dự án.

Để hoàn thành dự án, nhóm đã thực hiện phân chia công việc, tùy vào khả năng của mỗi thành viên. Thảo Nguyên có trách nhiệm thử các loại dung môi khác nhau và làm các phương pháp xét nghiệm cần thiết để cho ra các số liệu giúp mọi người hiểu hơn về bài báo cáo. Riêng Hạnh Nguyên là học sinh lớp chuyên Sinh nên em đảm nhiệm phần việc phân tích những loại vi khuẩn có tác động đến trái cây... Với tính thực tế của dự án mang lại, nên đã nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng giám khảo.

Với trăn trở, mong muốn giúp người cao tuổi thuận tiện hơn trong việc đi lại, sinh hoạt, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe khi đi ra ngoài, nhất là lúc không có người thân bên cạnh, nhóm tác giả Huỳnh Nguyễn Vinh và Phạm Khôi Nguyên đến từ Trường THPT Bình Sơn đã lên ý tưởng thực hiện đề tài Smart-Stick, một loại gậy công cụ đa năng dành cho người già. Ý tưởng này cũng bắt nguồn từ tình cảm, sự yêu thương, quan tâm, kính trọng của bản thân các em đối với ông bà của mình. Từ đó, mở rộng ra thành mong  muốn phục vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người cao tuổi ở Việt Nam.

Các em cho rằng, trên thị trường hiện nay có bán nhiều loại Smart-Stick cho người già, bán tràn lan trong các cửa hàng hay online, nhưng hầu hết các sản phẩm đều dừng lại ở việc chú trọng phục vụ đi lại là chính. Ví dụ như gậy đa năng Trusty Cane của Trung Quốc, ngoài chức năng chính ra thì chỉ tích hợp thêm đèn pin...

Dự án Smart-Stick với tính năng ưu việt, mới mẻ thông qua việc sử dụng cảm biến gia tốc và la bàn số xác định trạng thái cân bằng của gậy để nhận biết người già có té, ngã không. Nếu có thì thực hiện cuộc gọi khẩn, ứng dụng cảm biến siêu âm trong việc đo khoảng cách, sử dụng để dò, phát hiện vật cản và báo hiệu cho người già biết có vật cản để né tránh; sử dụng cảm biến để theo dõi nhịp tim, lượng ô-xy trong máu của người cao tuổi...

Các đề tài đều thể hiện tính sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu KHKT của từng nhóm, giúp các em tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu và học hỏi thêm nhiều kiến thức không chỉ từ sách vở mà còn từ thực tế cuộc sống. Qua đó, khơi nguồn đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh và có cơ hội tìm kiếm học bổng, để du học và phát huy các đề tài đó hữu dụng hơn.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.