Khoa học công nghệ: Đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp

09:01, 06/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những công trình khoa học áp dụng vào thực tiễn đã mang lại những kết quả rất khả quan, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Đồng hành cùng nhà nông

Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, người dân sống dựa vào rẫy keo, mì là chính, còn lĩnh vực chăn nuôi chỉ là “nuôi cho có”, dù đàn trâu trên địa bàn hai huyện Sơn Hà và Ba Tơ lên đến hàng nghìn con. Tuy nhiên, thể trạng trâu quá nhỏ và chưa áp dụng các kỹ thuật cần thiết trong chăn nuôi dẫn đến nuôi nhiều, nhưng lợi nhuận không cao. Trước thực trạng này, Sở KH&CN đã triển khai Dự án “Hỗ trợ cải tạo giống và cải tiến kỹ thuật chăn nuôi trâu cho đồng bào dân tộc Hrê ở 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ”.

Nhờ
Nhờ "trợ lực" của chương trình KHCN, Công ty ngói màu AKURA VINA đã mạnh dạn đầu tư thiết bị để sản xuất lớn hơn so với trước đây.
Ông Hồ Trọng Phương - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN cho biết, những ứng dụng KHCN được triển khai thực hiện trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong công cuộc vực dậy vùng nông thôn, miền núi và đẩy mạnh quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Thời gian đến, Sở KH&CN sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, các nghiên cứu để áp dụng vào thực tế.

Dự án triển khai tại 45 hộ dân để đầu tư trâu đực giống. Mỗi trâu đực giống có trọng lượng bình quân 360kg/con, ngoại hình đẹp, tầm vóc lớn, sức khỏe tốt và cấp cho mỗi hộ dân một con cùng với 120kg thức ăn tinh hỗn hợp để nuôi trong bốn tháng đầu, kèm kinh phí để tẩy sán lá gan, thuốc sát trùng chuồng trại và hỗ trợ xây dựng chuồng nuôi. Đồng thời, người nuôi được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc thu hoạch, chế biến thức ăn thô xanh, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh phòng trừ dịch bệnh cho trâu đực giống, trâu cái có chửa, nuôi con… Nhờ đó, sau hơn ba năm đã có gần 2.000 trâu nghé ra đời với trọng lượng bình quân 22 - 25kg/con, lớn hơn nghé địa phương 5 - 7kg, tỷ lệ sống sau 6 tháng đạt khoảng 95% và rất khỏe mạnh, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt.

Ông Đinh Dênh, xóm Nước Chu, xã Sơn Thành (Sơn Hà), một trong những hộ dân tham gia dự án cho biết, trước đây ông cũng như nhiều bà con chăn nuôi trâu không làm chuồng mà thả rông trên núi nên trâu gầy, sức khỏe yếu. Vào mùa mưa trâu hay bị chết vì lạnh. Từ khi tham gia dự án, đàn trâu được chăm sóc tốt. Trâu giống khỏe mạnh, phối giống đạt yêu cầu.

Ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà cho rằng: "Dự án bước đầu đã giúp cho đồng bào Hrê biết cách làm chuồng, chăm sóc, vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh cho đàn trâu. Người dân đã biết dự trữ nguồn thức ăn, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu… Dự án đã góp phần phát triển chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện Sơn Hà và đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo".

Bên cạnh hỗ trợ về giống trâu, nhiều năm qua các ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như: Lai tạo đàn bò ở Nghĩa Hành, Đức Phổ; mô hình trồng mía trên đất gò đồi; trồng cây sa nhân tím, cây mây trên địa bàn huyện Ba Tơ; phát triển cây ăn quả hàng hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hành… đã cho “quả ngọt”.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Không chỉ áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, mà những năm qua, các ứng dụng KHCN từ chương trình, dự án các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai thực hiện đã tạo ra “làn gió mới” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng tỏi ở Lý Sơn.  Ảnh: N.Viên
Ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng tỏi ở Lý Sơn. Ảnh: N.Viên


Giải quyết bức xúc trong việc các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) và chuyển đổi ngành nghề của địa phương, trồng nấm là một trong những mô hình được áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả.

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy mô, chất lượng nấm không đảm bảo cũng như đầu ra không ổn định, Sở KH&CN đã triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng làng nghề trồng nấm” và triển khai trên 100 hộ dân. Theo đó, Dự án đã hỗ trợ các hộ dân tham gia vào hợp tác xã, ứng dụng đồng bộ các thiết bị cơ khí, dây chuyền máy móc để sản xuất bịch phôi nấm theo hướng công nghiệp tập trung cho chất lượng ổn định, với công suất 5.000 bịch phôi nấm/ngày trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Nhờ đó, chất lượng nấm đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

Bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật, Sở KH&CN còn tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Công ty CP sản xuất ngói màu Akura Vina, hoạt động tại Cụm công nghiệp Quán Lát (Mộ Đức), là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ chương trình này. Công ty được tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng từ chương trình và giúp doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm ngói của mình. Ngoài ra, Công ty Akura Vina còn tham gia chương trình với nội dung hỗ trợ đổi mới hệ thống thiết bị và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sản lượng và hạ giá thành sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Đỗ Vạn Vũ - Giám đốc Công ty Akura Vina cho biết, thông qua Dự án “Nhà máy sản xuất ngói màu ứng dụng công nghệ không nung” Công ty đã đổi mới thiết bị công nghệ. Nhận được nguồn hỗ trợ từ chương trình, Công ty đã đầu tư và tiếp nhận công nghệ với 3 dây chuyền sản xuất chính. Tổng vốn đầu tư phần thiết bị công nghệ khoảng 6 tỷ đồng. “Nguồn hỗ trợ thật sự là động lực giúp cho Công ty tự tin đẩy nhanh quá trình đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ” - ông Vũ cho hay.
 

Lê Đức

 


.