Sử dụng bức xạ và công nghệ hạt nhân trong sản xuất công nghiệp và y tế:
Cần quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn

05:09, 08/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các nguồn phóng xạ, chất bức xạ và năng lượng phóng xạ hiện nay đang được dùng khá phổ biến trong phát triển công nghiệp và y tế.  Tuy nhiên, công tác sử dụng và quản lý chưa thực sự khiến người dân và cơ quan quản lý yên tâm.  Đặc biệt, các chất này nếu không bảo quản tốt nếu bị “lọt” ra bên ngoài sẽ gây hậu quả khó lường.

Sử dụng khá phổ biến

Theo thống kê của Sở KH&CN, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị sử dụng với tổng số 47 nguồn phóng xạ. Trong đó 4 nguồn được sử dụng để đo mức chất lỏng, 2 nguồn để chẩn đoán và điều trị bệnh (nguồn phóng xạ hở-PV), 1 nguồn phóng xạ phân tích thành phần các nguyên tố hóa học, 5 nguồn để đo độ chặt, độ ẩm các khối bê tông, 13 nguồn dùng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và 22 nguồn để đo mức và tỷ trọng.

Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, bức xạ và hạt nhân được ứng dụng trong chụp ảnh NDT (kiểm tra không phá hủy-PV), đo mức chất lỏng, đo độ chặt, độ ẩm... với 9 đơn vị sử dụng 45 nguồn phóng xạ. Hầu hết các chất bức xạ được sử dụng chủ yếu ở Khu Kinh tế Dung Quất thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ hạt nhân liên quan đến nguồn phóng xạ, các thiết bị bức xạ dùng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.

Riêng trong hoạt động y tế, ứng dụng của bức xạ và hạt nhân chủ yếu để chụp chẩn đoán hình ảnh và xạ trị. Trong đó có 33 cơ sở sử dụng 38 thiết bị gồm 36 thiết bị X- quang và 2 thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner) để chẩn đoán hình ảnh. Riêng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sử dụng 2 nguồn phóng xạ để xạ trị.     

 Cần phải đảm bảo an toàn

Theo ông Nguyễn Tạ Quyền- Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), để các đơn vị sử dụng hiệu quả và an toàn, hằng năm Sở KH&CN thường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cũng như các lớp tập huấn nhằm giúp người sử dụng nâng cao hiểu biết cách sử dụng đối với năng lượng nguyên tử để chủ động bảo vệ bản thân, cộng đồng và môi trường. Ngoài ra, Sở đã đề nghị các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó của đơn vị mình và thực hiện diễn tập để phòng ngừa tình huống xấu xảy ra.

Cũng theo ông Quyền, mặc dù thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào về chất phóng xạ. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, Thanh tra Sở KH&CN đã thực hiện 7 đợt thanh tra về an toàn bức xạ và phát hiện nhiều sai phạm trong công tác sử dụng và bảo quản nên đã phạt hành chính 70 triệu đồng đối với các đơn vị vi phạm.

Mới đây, để chấn chỉnh tình trạng các đơn vị sử dụng chất phóng xạ để xảy ra các sự cố như mất cắp, quản lý không chặt chẽ, ý thức trách nhiệm về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của nhiều cơ quan quản lý, cơ sở và cá nhân còn thấp… Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, đối với các cơ sở sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ cần nâng cao nhận thức trong lãnh đạo và nhân viên của cơ sở về trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ đang quản lý, sử dụng...     
          

  LÊ ĐỨC
 


.