Nhà mạng không được cản trở các dịch vụ OTT tại Việt Nam

02:11, 08/11/2014
.

Theo Dự thảo Thông tư về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch thoại, nhắn tin trên nền Internet, Cục Viễn thông cho biết Nhà mạng không được cản trở các dịch vụ OTT tại Việt Nam và các nhà cung cấp dịch OTT sẽ phải đặt máy chủ tại Việt Nam.

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch thoại, nhắn tin trên nền Internet. Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet trong nước (OTT) có thu giá cước chỉ được cung cấp dịch vụ khi là doanh nghiệp và có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ nhà cung cấp dịch vụ OTT không thu giá cước không cần phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài có thu giá cước không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.

Nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.



Đặc biệt, nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước và nước ngoài không thu giá cước có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng phải thông báo với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) 10 ngày làm việc trước khi cung cấp dịch vụ về tên, địa chỉ, trụ sở của nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này có nghĩa tất cả các dịch vụ OTT hiện nay, như Viber, Zalo, Line, WhatsApp... đều phải thực hiện việc khai báo thông tin.

Về giá cước, doanh nghiệp cung cấp OTT có thu giá cước phải tuân thủ các quy định về quản lý giá cước và chất lượng thoại như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống

Dự thảo cũng cho biết nhà cung cấp dịch vụ OTT có thu giá cước được đàm phán, kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất để cung cấp dịch vụ nhắn tin trên nền Internet đến thuê bao điện thoại trong nước. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ OTT miễn cước không được kết nối mạng tại Việt Nam để trực tiếp cung cấp cuộc gọi thoại từ người sử dụng dịch vụ thoại trên nền Internet đến thuê bao điện thoại trong nước.

Tuy nhiên, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ OTT không được cung cấp khả năng thực hiện cuộc gọi thoại từ người sử dụng dịch vụ thoại trên nền Internet đến các số liên lạc khẩn cấp.

Một điều quan trọng tại Dự thảo là Cục Viễn thông yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cố định, di động không cản trở nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ OTT. Các nhà mạng có quyền hợp tác với các nhà cung cấp OTT thông qua thỏa thuận thương mại để cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.

Các nhà mạng cũng được quyền ưu tiên đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet của các nhà cung cấp dịch vụ có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp.

Các nhà mạng cũng được quyền cung cấp các gói dịch vụ truy nhập Internet có sử dụng dịch vụ OTT với chất lượng và giá cước khác nhau; công bố thông tin về các gói cước và điều kiện sử dụng đến người sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng, thông tin trên mạng, hoặc kênh thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, các nhà mạng có quyền chặn các dịch vụ OTT khi cơ quan có thẩm quyền liên quan đến an ninh quốc gia yêu cầu, hoặc khi nhà cung cấp dịch vụ không có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ có giá cước trên mạng truy nhập Internet của doanh nghiệp.



Theo Khôi Linh/Dân trí


.