Biến thể corona mới là quả bom hẹn giờ nguy hiểm?

09:01, 02/01/2021
.
Biến thể B117 của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được phát hiện ở Anh đang lây với tốc độ báo động ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Điều này mang ý nghĩa gì?
 
Bà Zeynep Tufekci, giáo sư Đại học North Carolina (Mỹ), gọi biến thể corona B117 là "quả bom hẹn giờ đang đếm ngược" - một mối nguy lớn đối với xã hội loài người.
 
Viết trên báo The Atlantic, giáo sư Tufekci giải thích rằng virus luôn đột biến, thường với ít thay đổi về mặt chức năng, nhưng B117 với đặc tính dễ lây hơn chủng gốc lại rất nguy hiểm, chưa bàn đến khả năng kháng vắc xin hay độc lực của nó.
 
Nhiều chuyên gia khác chia sẻ cùng quan điểm trên. Giáo sư Adam Kucharski, chuyên gia về dịch bệnh của Trường Khoa học vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh), giải thích bằng một ví dụ như sau:
 
Có 2 kịch bản, một là virus tăng độc lực thêm 50%, hai là virus tăng khả năng lây thêm 50%. Trong cả hai trường hợp tạm lấy hệ số lây nhiễm là 1,1 (1 người bệnh lây cho 1,1 người khác), còn rủi ro tử vong là 0,8%.

 

Nhân viên y tế Mỹ thăm khám cho một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: The Atlantic
Nhân viên y tế Mỹ thăm khám cho một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: The Atlantic
Tiếp theo hình dung có 10.000 ca nhiễm COVID-19 vào cùng một thời điểm - con số hoàn toàn thực tế đối với nhiều thành phố châu Âu hiện nay.
 
Với các thông số trên, bình thường mỗi tháng sẽ có khoảng 129 người chết. Trong kịch bản virus tăng độc lực 50%, số người chết sẽ là 193. Còn kịch bản khả năng lây tăng 50%, số người chết sẽ vọt lên tới 987!
 
Sự gia tăng khả năng lây truyền giúp virus bùng nổ rất nhanh. Cứ mỗi người nhiễm có thể lây cho rất nhiều người khác theo cấp số nhân, trong khi mức độ nặng/nhẹ của bệnh (tức độc lực của virus) chỉ ảnh hưởng đến mỗi bệnh nhân.
 
B117 được xác định là không tăng độc lực - một tin tốt với bệnh nhân COVID-19, nhưng khả năng lây của nó lại là mối đe doạ thậm chí còn lớn hơn với xã hội. 
 
Nói theo kiểu khác, tỉ lệ tử vong không thay đổi nhưng số người nhiễm lớn thì sự mất mát còn khủng khiếp hơn trường hợp ngược lại.
 
Giáo sư Tufekci thừa nhận bản thân bà ban đầu không chú ý đến biến thể mới giữa một rừng tin tức ảm đạm mỗi ngày, nhưng bây giờ dữ liệu khoa học đã đầy đủ hơn và bà tin rằng đây là mối lo thực sự.
 
Ông Trevor Bedford, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ), chỉ ra rằng số ca nhiễm biến thể B117 đang tăng rất nhanh trong dân số ở Anh, đáng chú ý tỉ lệ tấn công thứ cấp (số lượng người nhiễm truy từ một ca nhiễm được xác định) của biến thể này cũng cao hơn chủng gốc.
 
Ngoài ra, dù chưa được xác nhận nhưng biến thể mới dường như sinh ra lượng virus trong cơ thể bệnh nhân cao hơn bình thường.
 
Theo giáo sư Tufekci, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc một biến thể virus trở nên phổ biến, may mắn cũng đóng vai trò, nhưng bằng chứng hiện nay cho thấy chỉ có lời giải thích đơn giản "virus dễ lây hơn" là vững chắc.
 
Dễ lây hơn bao nhiêu? Đây là vấn đề các nhà nghiên cứu đang tìm câu trả lời, dữ liệu ban đầu gợi ý con số dao động từ 50-70%. Tệ hơn nữa, không ai biết cơ chế nào khiến virus thay đổi như vậy, mặc dù số lượng gen đột biến lớn được cho là có liên quan.
 
"Sự mơ hồ trong hiểu biết về B117 cũng đồng nghĩa chúng ta không biết các biện pháp phòng dịch như khẩu trang, giữa khoảng cách... hiệu quả bao nhiêu so với trước nay, chỉ biết rằng càng phải cẩn thận hơn nữa.
 
Chúng ta đang chạy đua. Thật không may khi con virus bỗng nhiên có khả năng chạy nước rút khi chúng ta đã gần tới vạch đích (nhờ vắc xin)", giáo sư Tufekci bình luận.
 
Theo Tuổi trẻ
 

.