Đại hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết về chống đại dịch Covid-19

09:04, 03/04/2020
.
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2-4 đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết về đại dịch Covid-19, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để đánh bại dịch bệnh nguy hiểm này.
 
Nghị quyết 74/270 nêu rõ, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên đặc biệt quan ngại về mối đe dọa đối với sức khỏe, sự an toàn và thịnh vượng của con người, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.
 
Nghị quyết kêu gọi "tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn, giảm thiểu và đánh bại đại dịch, bao gồm trao đổi thông tin, kiến thức khoa học và những bài học thực tiễn tốt nhất, áp dụng các hướng dẫn liên quan do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị".
 
Tính đến 18h ngày 3-4, đại dịch Covid-19 đã lây lan ra 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, làm 1.030.324 người mắc bệnh và 54.207 người tử vong.
 
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua các bước đi đầu tiên trong kế hoạch tài trợ khẩn cấp 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng để giúp các nước nghèo ứng phó với tác động của dịch Covid-19. WB đã phê chuẩn đợt tài trợ đầu tiên với 1,9 tỷ USD cho 25 quốc gia và các nỗ lực tài trợ cho 40 quốc gia khác đang được tiến hành.
 
Theo đó, Ấn Độ là nước nhận được sự hỗ trợ lớn nhất trong đợt đầu tiên này với 1 tỷ USD, tiếp đến là Pakistan với 200 triệu USD, Sri Lanka 129 triệu USD, Afghanistan với trên 100 triệu USD và Ethiopia 82,6 triệu USD.
 
Châu Mỹ
 
Ngày 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để các doanh nghiệp sản xuất máy trợ thở dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhận được nguồn cung ứng các vật tư cần thiết. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng trang thiết bị vật tư y tế do số người mắc bệnh tăng quá nhanh khiến nguồn cung y tế và giường bệnh không kịp đáp ứng.
 
Cùng ngày, các nhà khoa học Mỹ cho biết, những thử nghiệm ban đầu một loại vắc xin phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2 trên chuột đã cho kết quả khả quan. Nhóm nghiên cứu hy vọng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin này trên người trong vài tháng tới.
 
Châu Âu
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2-4 đã ký sắc lệnh yêu cầu thiết lập quy định đặc biệt về hoạt động đi lại của người dân cũng như các phương tiện giao thông trên cả nước nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan. Sắc lệnh yêu cầu chính quyền các khu vực đưa ra quy định đặc biệt, cũng như bảo đảm thực hiện các biện pháp hạn chế khác để ngăn chặn dịch Covid-19. Tính đến chiều 3-4, Nga đã ghi nhận thêm 601 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm vi rút này lên 4.149 người.
 
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cam kết sẽ tăng mạnh số trường hợp xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 trong bối cảnh Anh đã hai ngày liên tiếp ghi nhận hơn 500 ca tử vong mỗi ngày. Theo ông B.Johnson, xét nghiệm là cách ứng phó hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
 
Tại Thụy Điển, thủ đô Stockholm đã lên kế hoạch mở bệnh viện dã chiến đầu tiên vào cuối tuần này. Bệnh viện được dựng lên tại trung tâm triển lãm lớn ở khu ngoại ô phía Nam Alvsjo, với sức chứa ban đầu là 140 bệnh nhân và có thể tăng lên ít nhất 600 bệnh nhân. Đến nay, Thụy Điển đã ghi nhận tổng cộng 5.568 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 308 ca tử vong.
 
Trong khi đó, Chính phủ Đức đã thay đổi chiến lược để có đủ quần áo bảo hộ y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, mong muốn có sự hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trong việc thu mua trang thiết bị, vật tư y tế từ Trung Quốc. Tính đến chiều 3-4 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận 85.063 ca nhiễm Covid-19 và 1.111 ca tử vong, 22.440 ca được chữa khỏi. Lần đầu tiên, Đức ghi nhận số ca nhiễm vượt Trung Quốc.
 
Châu Á
 
Ngày 3-4, Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận 31 ca mới mắc Covid-19, gồm 2 ca lây nhiễm trong nước và 29 ca từ nước ngoài. Với 29 ca mới, tổng số ca mắc Covid-19 từ nước ngoài vào Trung Quốc đến hết ngày 2-4 là 870 ca và chưa có ca tử vong nào trong số này.
 
Chính phủ Nhật Bản hôm nay đã quyết định trợ cấp 200.000 yên (khoảng 1.850 USD) tiền mặt cho mỗi hộ gia đình bị giảm thu nhập vì tác động của dịch Covid-19. Theo đó, khoảng 10 triệu hộ gia đình ở Nhật Bản sẽ đủ tiêu chuẩn để nhận khoản trợ cấp đặc biệt này.
 
Triều Tiên vừa tổ chức hội nghị về phòng dịch khẩn cấp quốc gia. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ duy trì tình trạng khẩn cấp cho đến khi dịch Covid-19 được dập tắt trên toàn cầu. Cho đến nay, Triều Tiên chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 nào và hiện còn khoảng 500 người đang được cách ly.
 
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ ngày 7-4 và đóng cửa trường học từ ngày 8-4, đồng thời, triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng với thời gian áp dụng trong vòng 1 tháng.
 
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa yêu cầu các phòng tập thể dục và các trung tâm rèn luyện sức khỏe trên phạm vi cả nước tạm thời đóng cửa để phòng tránh dịch Covid-19.
 
Theo Hà Nội mới

.