Thủ tướng Lebanon từ chức để lại khoảng trống nguy hiểm cho cả khu vực

05:11, 05/11/2017
.

Thủ tướng Lebanon ngày 4/11 tuyên bố từ chức với những mối lo ngại về an toàn cá nhân cũng như việc “Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực”.

 
Quyết định bất ngờ của Thủ tướng Lebanon được cho là đẩy quốc gia vốn đã có sự phân mảnh chính trị vào bất ổn cũng như đào sâu những mâu thuẫn nội tại trong khu vực.
 

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. (Ảnh: EPA)
Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. (Ảnh: EPA)


Trong bài phát biểu từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia được phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Saad Hariri khẳng định, Iran cũng như lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn, là những thế lực gây bất ổn trong khu vực. Ông  cho biết đã không thể thực hiện được những cam kết hồi nhậm chức như đoàn kết nhân dân hay chấm dứt chia rẽ chính trị trong nước.

“Iran đang có sự can thiệp vào một loạt các vấn đề nội bộ của các nước Arab với những tác động tiêu cực”, ông Hariri nêu rõ. “Tôi muốn nói rằng Iran và những lực lượng ủng hộ rằng, điều này sẽ không tiếp tục nữa. Chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại.”

Hiện chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm ông Hariri-chính trị gia người Sunni có ảnh hưởng nhất tại Lebanon. Tuy nhiên giới phân tích nhận định, khoảng trống chính trị này sẽ tác động lớn đến xã hội Lebanon.

Quyết định từ chức của Thủ tướng Hariri được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ theo dòng Hồi giáo Sunni của ông được thành lập cách đây chưa đầy 1 năm.  Dưới sự nắm quyền của ông Hariri, Nội các đã thông qua các luật về thăm dò dầu khí ngoài khơi, thông qua ngân sách đầu tiên của Lebanon trong 12 năm.

Giới quan sát nhận định, những bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đang chịu tác động mạnh của cuộc chiến Syria. Bộ trưởng Tài chính Lebanon Ali Hassan Khalil cũng ngay lập tức trấn an người dân, với khẳng định tình hình tài chính và tiền tệ vẫn ổn định.

Không chỉ tác động đến Lebanon, việc từ chức của Thủ tướng Hariri cũng được cho làm gia tăng nguy cơ đối đầu chính trị mới giữa Iran và Saudi Arabia, vào thời điểm Iran và các đồng minh được cho là đã giành chiến thắng trong "cuộc chiến  ủy nhiệm” tại Syria.

Saudi Arabia và Iran cũng thuộc về những chiến tuyến đối lập nhau trong các cuộc xung đột khu vực như Yemen và Iraq. Chuyên gia Randa Slim thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông tại Washington ( Mỹ) nhận định, Saudi Arabia là yếu tố chính dẫn đến quyết định của Thủ tướng Hariri. Việc ông Hariri đưa ra thông báo từ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia cũng là một bằng chứng quan trọng cho thấy nỗ lực của Saudi Arabia muốn đối đầu với Iran và sự ảnh hưởng của Iran tại Lebanon.

Iran đã ngay lập tức có phản ứng trước quyết định của Thủ tướng Lebanon. Thông báo của Bộ Ngoại giao Iran khẳng định cáo buộc của Thủ tướng là vô căn cứ và phi thực tế, và động thái này là dấu hiệu cho thấy đây là kịch bản mới nhằm gây bất ổn tại Lebanon cũng như khu vực. Thông báo cũng bày tỏ người dân Lebanon sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn này.

Với cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria và Iraq đang dần kết thúc, giới quan sát cũng cảnh báo về nguy cơ của các cuộc xung đột khác trong khu vực, với sự can dự và ảnh hưởng từ những thế lực bên ngoài. Trong khi Saudi Arabia được cho là đã thất bại trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad- một đồng minh thân cận của Iran, thì nước này cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong  nỗ lực kiểm soát ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
 

Theo Phạm Hà/VOV.VN

 


.