Căng thẳng vì Triều Tiên lan rộng ra khu vực

09:04, 24/04/2017
.

Càng gần ngày kỷ niêm 85 năm thành lập quân đội Triều Tiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng "nóng" lên.
 
Căng thẳng Triều Tiên đang lan rộng ra khu vực trong bối cảnh tàu chiến Mỹ vẫn đang tiến gần đến Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên đáp trả bằng tuyên bố sẵn sàng bắn chìm tàu sân bay. Không chỉ Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực như Australia cũng nằm trong tầm ngắm. Mỹ và các nước vẫn đang duy trì liên lạc chặt chẽ, đồng thời kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích.

 

Binh sỹ Triều Tiên trong lễ diễu binh ngày 15/4/2017 tại Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)
Binh sỹ Triều Tiên trong lễ diễu binh ngày 15/4/2017 tại Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)
Hàn Quốc ngày 24/4 cho biết nước này đang thảo luận về việc tổ chức các cuộc tập trận chung với đội tàu sân bay hạt nhân tác chiến của Mỹ vốn đang hướng tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên.
 
Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ hôm qua (23/4) đã bắt đầu cuộc tập trận chung với các tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) ở Tây Thái Bình Dương. Phía Nhật Bản trước đó một ngày cũng thông báo gửi 2 tàu khu trục tham gia tập trận cùng nhóm tàu tác chiến của Mỹ. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong vài ngày.
 
Các tàu sẽ tiến hành các hoạt động diễn tập chiến lược và thông tin liên lạc, với mục đích cải thiện khả năng phản ứng và phòng vệ kết hợp trên biển, tăng cường sự phối hợp nhuần nhuyễn và đảm bảo các lực lượng trên biển sẵn sàng bảo vệ khu vực khi được điều động.
 
Sau khi diễn tập chung với các tàu Nhật Bản, nhóm tàu sân bay do tàu Carl Vinson dẫn đầu, sẽ tiếp tục di chuyển tới  Bán đảo Triều Tiên, coi đây là một phần trong cam kết của Mỹ sát cánh với các đồng minh tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.
 
Động thái của các bên tiếp tục đẩy căng thẳng khu vực không ngừng leo thang. Phía Triều Tiên cuối tuần qua thể hiện thái độ cứng rắn với tuyên bố không quan tâm đến bất cứ cuộc đối thoại nào với Mỹ chừng nào Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch.
 
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Triều Tiên, hôm qua (23/4) đăng bài xã luận cảnh báo các lực lượng Triều Tiên sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay hạt nhân của Mỹ. Báo này trước đó cho rằng chính quyền hiện nay của Mỹ đang quy trách nhiệm cho Triều Tiên về hơn 20 năm đàm phán song phương thất bại để bào chữa cho những lệnh trừng phạt kinh tế và đe dọa quân sự.
 
Trong khi, Tờ Minju Joson, do Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên xuất bản, số ra hôm qua cũng cảnh báo việc Mỹ đang điều đội tàu sân bay hạt nhân tác chiến tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên và nêu rõ, nếu bị khiêu khích, quân đội Triều Tiên sẽ đáp trả.
 
Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ngày một leo thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng sớm 24/4 đã điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Triều Tiên. Sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông và Tổng thống Mỹ đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ , đồng thời kêu gọi mạnh mẽ Triều Tiên kiềm chế sau hàng loạt hành động nguy hiểm và khiêu khích.
 
Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao lập trường của Tổng thống Donald Trump thể hiện qua lời nói và hành động rằng mọi giải pháp cho vấn đề Triều Tiên vẫn đang được để ngỏ. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và tàu sân bay Carl Vinson cùng nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ đã bắt đầu tập trận từ hôm qua (23/4). Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc với Mỹ và giám sát cao độ tình hình để có hành động đáp trả”.
 
Trong khi đó, Australia cũng có tuyên bố cứng rắn, gọi Triều Tiên là “một mối đe dọa” cho các nước láng giềng và nếu không bị kiềm chế nó sẽ lan rộng hơn đe dọa tới cả Australia. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đưa ra tuyên bố này sau khi Triều Tiên nói rằng sẽ thực hiện tấn công hạt nhân đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng đã cho rằng Australia đang mù quáng đi theo Mỹ.
 
Màn khẩu chiến Australia-Triều Tiên nổ ra ngay sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm Australia- điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông. Phó Tổng thống Mỹ là quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền Tổng thống Trump tới thăm Australia, với khẳng định về quan hệ đối tác lâu dài giữa 2 nước trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế.
 
Ông Pence cho biết Mỹ mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Australia nhằm đối phó với những căng thẳng leo thang tại khu vực vì vấn đề Biển Đông và hạt nhân của Triều Tiên./. 
 
 
Hoàng Lê/VOV

.