"Săn cáo" đến "Lưới trời": Quan tham Trung Quốc trốn ra nước ngoài cũng không thoát

09:09, 20/09/2016
.

Hàng nghìn quan tham ở Trung Quốc cả trong nước và cả những đối tượng đào tẩu ra nước ngoài đã sa lưới kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.

 

Tội phạm kinh tế Li Huabo bị cảnh sát Trung Quốc dẫn giải về nước sau khi biển thủ hàng triệu USD và ẩn náu nhiều năm ở Singapore. (Ảnh: WSJ)
Tội phạm kinh tế Li Huabo bị cảnh sát Trung Quốc dẫn giải về nước sau khi biển thủ hàng triệu USD và ẩn náu nhiều năm ở Singapore. (Ảnh: WSJ)

 

“Săn cáo” và tung “Lưới trời”

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Tập đã mạnh tay chống tham nhũng cả ở trong nước và quốc tế. Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ truy lùng cho bằng được các quan chức tham nhũng cũng như các giám đốc doanh nghiệp đồng thời thu hồi tài sản của họ trong chiến dịch được gọi là “Săn cáo” và “Lưới trời”.
 
"Chiến dịch Săn cáo” được phát động từ tháng 7/2014 nhằm mục đích truy lùng các quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế lẩn trốn ở nước ngoài. Trong khi đó, chiến dịch “Lưới trời”, được khởi động từ đầu năm 2015, sâu rộng hơn thông qua việc phối hợp giữa các cơ quan chính phủ khác nhau mở cuộc tấn công đa hướng vào những kẻ đào tẩu và những người liên đới. "Chiến dịch Săn cáo” nhắm vào các mục tiêu cụ thể, trong khi “Lưới trời” quăng lưới bủa vây trên diện rộng.
 
Tùy từng trường hợp cụ thể, Trung Quốc có những biện pháp “săn cáo” riêng. Trong một số vụ, Trung Quốc sẽ cử điều tra viên đi thuyết phục những kẻ đào tẩu về nước, nhưng cũng có vụ, họ sẽ cung cấp bằng chứng về hoạt động tội phạm cho nước chủ nhà để hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp trực tiếp hoặc thông qua nước thứ 3. Công an Trung Quốc còn thành lập đơn vị chuyên trách bí mật truy lùng các đối tượng tham nhũng ngay trong lãnh thổ nước khác.
 
Reuters dẫn số liệu công bố hồi đầu năm nay của Bộ Công an Trung Quốc cho biết, giới chức nước này đã truy bắt 857 quan chức tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài trong riêng năm 2015. Các đối tượng bị dẫn độ chủ yếu từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Campuchia, và cũng có cả những đối tượng tình nguyện trở về nước. Trong khi đó, các đối tượng bị dẫn độ từ các nước phương Tây rất ít.
 
Li Huabo, tội phạm kinh tế Trung Quốc bị Interpol truy nã gắt gao, đã bị dẫn độ về nước sau khi thụ án ở Singapore - nơi ông ta ẩn náu nhiều năm qua với số tiền 4,1 triệu USD. Trong một vụ việc gần đây nhất, Tân Hoa xã ngày 19/9 dẫn thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết, tổ “Săn cáo” của nước này đã áp giải thành công nghi phạm đầu tiên lẩn trốn ở Pháp. Nghi phạm họ Trần này được cho là đã tham ô khoảng 3 triệu USD trong giai đoạn từ 2009-2012 và trốn sang Pháp vào năm 2013.
 
“Thiên đường” cho quan tham đào tẩu
 
Theo IB Times, có khoảng 18.000 quan chức Trung Quốc đã chạy trốn khỏi đất nước trong vòng 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng khoảng 129 tỷ USD.
 
Mặc dù Trung Quốc đã ra sức đẩy mạnh các thỏa thuận hợp tác về vấn đề dẫn độ tội phạm kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên chiến dịch truy lùng quan tham ẩn náu ở nước ngoài vẫn gặp không ít khó khăn.
 
Theo Reuters, Trung Quốc đã ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với khoảng 40 quốc gia, tuy nhiên lại chưa có hiệp ước tương tự với Mỹ, Canada hay Australia - ba quốc gia được coi là “thiên đường” của các tội phạm kinh tế do thủ tục dẫn độ khó khăn.
 
Số liệu của Văn phòng Điều tra Liên bang thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada cho biết, trong số 100 quan tham bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất thì có tới 26 người đang lẩn trốn tại Cananda. Nhiều quan chức tham nhũng, doanh nhân Trung Quốc biển thủ số tiền lớn sau đó chạy sang Mỹ, nhập tịch vào đây bằng cách đầu tư vào bất động sản.
 
Trong khi đó, nhiều nước phương Tây từ chối ký kết hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc vì nhiều lý do trong đó có lý do rằng Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp bằng chứng tội phạm của đối tượng cần dẫn độ.
 
Li Zhinmin, người phát ngôn của lãnh sự quán Trung Quốc tại New York, cho biết: "Nhiều quan chức tham nhũng tìm cách trốn sang nước khác bởi họ có thể giấu mình đằng sau những quy định phức tạp về dẫn độ và quyền tài phán".
 
Năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu tìm cách dẫn độ Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân đang tị nạn tại Mỹ. Thời báo phố Wall dẫn nguồn thạo tin cho biết, giới chức Trung Quốc nghi ngờ Lệnh Hoàn Thành có liên quan đến ít nhất 3 vụ án tham nhũng và rửa tiền với số tiền lên tới 1 tỷ USD.
 
Anh trai của Lệnh Hoàn Thành là Lệnh Kế Hoạch, người từng giữ cương vị thư ký cho nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và là một trong những quan chức cấp cao nhất của nước này sa lưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
 
Minh Phương/Dân trí

.