Hy Lạp: ngàn cân treo sợi tóc

08:06, 29/06/2015
.

 Vị thế của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang ở tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" khi Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) vừa từ chối gia hạn chương trình cứu trợ tài chính thêm một tháng theo đề nghị của Athens. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài ba giờ tại Brussels (Bỉ) và khiến "số phận" của xứ sở Thần thoại thực sự mong manh.

 

Người dân thủ đô Athens đổ xô đi rút tiền.
Người dân thủ đô Athens đổ xô đi rút tiền.


Trước khi bước vào cuộc họp mang tính quyết định, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras muốn các chủ nợ gia hạn thêm một tháng sau khi chương trình cứu trợ hiện nay chấm dứt vào ngày 30-6 để chờ kết quả cuộc trưng cầu dân ý (dự kiến diễn ra ngày 5-7) về kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng. Thông tin này không chỉ khiến bộ ba chủ nợ gồm: Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban Châu Âu (EC) mà ngay chính người dân Hy Lạp cũng hết sức bất ngờ. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, hiện đang giữ chức Chủ tịch Eurogroup đã bày tỏ thất vọng trước quyết định trên của Hy Lạp. Theo ông Dijsselbloem, đây là một quyết định "đáng buồn" và "đóng sập cánh cửa" cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Nói cách khác, việc Eurogroup từ chối gia hạn chương trình cứu trợ cho Athens cũng đồng nghĩa nhiều khả năng nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone. Tuy nhiên, trước tình thế khó khăn này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis vẫn chưa từ bỏ hy vọng khi khẳng định Hy Lạp sẽ nỗ lực đến cùng để giành được một thỏa thuận với bộ ba chủ nợ bất chấp thời gian chỉ được tính theo ngày.

Dù các đề xuất giữa hai bên được cho là đã tương đồng tới 90%, song Hy Lạp và các chủ nợ vẫn không đạt được thỏa thuận về việc giải ngân khoản cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỷ euro, dù thời hạn chót để Athens trả khoản nợ trị giá 1,6 tỷ euro cho IMF đang đến gần. Trong các cuộc đàm phán, hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung về các đề xuất cải cách, trong đó có việc các chủ nợ yêu cầu Athens nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiếp tục cắt giảm lương hưu, điều mà Thủ tướng A.Tsipras và chính phủ cánh tả của ông cũng như người dân Hy Lạp không mong muốn.

Hy Lạp cho rằng các yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" của phía chủ nợ là quá ngặt nghèo, không có tác dụng thúc đẩy kinh tế Hy Lạp và đi ngược lại nền dân chủ của nước này. Trong khi Athens đưa ra đề xuất dự kiến sẽ làm tăng doanh thu nhà nước tương đương khoảng 0,93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một phần nhờ vào một cuộc cải cách thuế GTGT, thì phía chủ nợ yêu cầu mức doanh thu này phải tương đương 1% GDP. Rõ ràng, cả hai bên đều có "giới hạn đỏ" của mình và dù rất nhiều cuộc đàm phán đã được xúc tiến nhưng chưa đạt được kết quả cuối cùng. Trong khi đó, khi thông tin về cuộc trưng cầu dân ý được loan báo, ngày càng nhiều người dân Hy Lạp đổ xô đến máy rút tiền tự động (ATM) rút tiền do lo ngại về tình hình tài chính "mong manh" của đất nước. Theo một nhân viên ngân hàng cấp cao, chỉ trong ngày 27-6, khoảng 500 - 600 triệu euro đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Hy Lạp.

Không khó để hình dung về tình cảnh của Hy Lạp, nếu bị vỡ nợ và rời khỏi Eurozone. Đó là một bức tranh hết sức ảm đạm về kinh tế khi ra khỏi khối và đối mặt với những nguy cơ chìm vào suy thoái sâu, thất nghiệp tăng vọt và thu nhập của người dân giảm sút. Các khoản tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá, trong khi nước này sẽ càng khó vay vốn trên thị trường nợ quốc tế, khiến cho việc hồi phục kinh tế càng trở nên xa vời. Tuy nhiên, sự kiện này còn là "cú sốc" mạnh đối với toàn bộ khu vực Eurozone. Điều Châu Âu lo lắng nhất hiện nay là nếu Hy Lạp bị buộc phải ra khỏi khu vực Eurozone, hoàn toàn có thể sẽ dẫn tới một hiệu ứng domino.
 
Thực tế, Eurozone đã có những bước đi nhằm tách các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn ra khỏi các tổ chức khác. Nếu Hy Lạp phải rời khỏi khối, đó có thể là lúc kinh tế Châu Âu ít nhiều đã hồi phục. Nhưng tình trạng "tắc nghẽn" trong hệ thống tài chính tại Lục địa già vẫn có thể xảy ra và những nước từng phải sử dụng các gói trợ giúp tài chính khẩn cấp như Ireland và Bồ Đào Nha có thể sẽ bị kéo trở lại khủng hoảng. Quan trọng hơn, tình hình chính trị tại các quốc gia Châu Âu có ảnh hưởng rất lớn lẫn nhau, vì thế dù cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp diễn biến theo chiều hướng nào, đều có thể thấy rõ tác động của nó tại các nước láng giềng. Đây là một thực tế mà cả Eurozone lẫn Hy Lạp cùng không mong muốn, bởi cái giá phải trả quá đắt. Nhưng việc cả hai bên đều không nhượng bộ càng khiến tương lai màu xám này đến gần.

Theo Thùy Dương/Hà Nội Mới

 


.