EU muốn Nga nhượng bộ để kết thúc "trò chơi trừng phạt"

06:10, 30/10/2014
.

Theo một nguồn tin từ cơ quan Ngoại giao EU, các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga sẽ không thể thu hẹp hoặc hủy bỏ trong tương lai gần. Chúng có khả năng có hiệu lực cho tới giữa tháng 3/2015 vì EU đang “bất lực” trước cái bẫy do chính mình giăng ra.

Giám đốc điều hành công ty Luật W, một công ty luật quốc tế chuyên về các lệnh trừng phạt, Nigel Kushner cho biết hiện tại EU không biết làm gì tiếp theo sau lệnh trừng phạt đối với Nga.
 

EU có thể sẽ xóa bỏ lệnh trừng phạt với Nga nếu không có gì thay đổi
EU có thể sẽ xóa bỏ lệnh trừng phạt với Nga nếu không có gì thay đổi


Một mặt, EU đang phải ngồi tại chỗ, hy vọng một cách tuyệt vọng rằng tình hình không xấu đi và lo sợ các biện pháp trả đũa từ Nga. Mặt khác, Liên minh không muốn họ là người nhượng bộ trước, xóa bỏ lệnh trừng phạt này.   

Theo ông Kushner , đối với nhiều nước châu Âu đang đối mặt với “tòa án Nga”, họ đang sợ hãi những phản ứng của Nga. Nếu chúng ta so sánh với các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt đối với Iran, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất lớn.

Cùng một chiêu trò trừng phạt, nhưng đối với Iran, nó đã phát huy tác dụng không ngờ, bởi vì Iran không thể chống lại. Còn đối với Nga, nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng Moscow có thể phản kháng lại kẻ trừng phạt.

Gần đây, EU đang “đứng ngồi không yên” với nỗi lo sợ rằng, Nga sẽ cấm nhập khẩu xe hơi từ EU. Lệnh cấm này có thể khiến các nước trong liên minh điêu đứng.

 Về phần mình, ông Kushner nhận định: “Tôi không nghĩ rằng, các biện pháp trừng phạt của EU có thể làm Nga suy yếu mà ngược lại EU đang bị mắc kẹt. Rõ ràng là EU sẽ không thể có bất kỳ hành động trả đũa quân sự về phía Nga, nhưng lại không thể ngồi yên và không làm gì cả".

Giám đốc Kushner cho rằng, các biện pháp trừng phạt có thể được gỡ bỏ chỉ sau một đêm. Đó là một quá trình rất dễ dàng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở đây chính là, EU phải có sự nhất trí giữa các nước thành viên. Sẽ có những nước đang có ý định xóa bỏ hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt này. Chẳng hạn như gần đây Cộng hòa Séc có nói rằng “nếu Nga cho thấy thiện chí” thì nước này sẽ thuyết phục EU nới lỏng lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, vấn đề xảy ra ở đây là Cộng hòa Séc có phải là nước có tiếng nói mạnh mẽ trong EU hay không? Và làm thế nào họ có thể quyết định và đảm bảo được EU sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt.  

Trong những tháng trước đó, chúng ta có thể thấy sự bất đồng lớn giữa các lãnh đạo EU bởi vì, “nỗi đau” đã không được san sẻ đồng đều. Trong khi Ba Lan bị cấm xuất khẩu các loại trái cây, rau quả các sản phẩm làm từ sữa và thịt vào Nga, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thì một số thành viên khác của EU lại “bình an vô sự”.

Robert Oulds, Chủ tịch tập đoàn Bruges, tin rằng Nga sẽ không tạm ngừng các biện pháp trả đũa của mình đối với EU. Bởi vì nếu Moscow nhượng bộ thì sau đó dưới áp lực của Mỹ và phương Tây nước này sẽ phải tiếp tục nhượng bộ hơn nữa trong các vấn đề khác.   

Phát biểu với đài phát thanh VR, ông Oulds nói: “Tôi nghĩ Nga không nên nhượng bộ bởi cuộc xung đột này được bắt đầu bởi phương Tây, trò chơi chính trị ở Ukraine là do phương Tây khuyến khích. Họ đã nhắm mắt làm ngơ để những hành động tội ác của các lực lượng quân sự tại Ukraine. Vì vậy hãy để phương Tây kết thúc cuộc chơi và nhượng bộ".



Theo Thu Huyền/Ria Báo An ninh Thủ đô

 


.