Ukraine đang tê liệt bởi các cuộc đấu đá nội bộ?

02:05, 01/05/2014
.

Để ngăn chặn căng thẳng leo thang trên toàn Ukraine, các nhà chức trách nước này đã ra lệnh thành lập các đơn vị quân đội đặc biệt.
 
Chính phủ lâm thời Ukraine đang mất dần kiểm soát tại khu vực phía Đông khi hôm qua (30/4) lực lượng ủng hộ liên bang hóa tiếp tục chiếm thêm được nhiều tòa nhà chính quyền. Trong một động thái cho thấy sự “lúng túng” trong nội bộ chính quyền non trẻ mới được thành lập của Kiev, khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cảnh báo sẽ cải tổ nội các, nếu chính phủ thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân.

Tại tỉnh Lugansk, người biểu tình đã chiếm giữ các tòa nhà cơ quan công quyền, trong đó có trụ sở Sở Nội vụ tỉnh và công an thành phố, sau khi chính phủ tạm quyền Kiev không đáp ứng thời hạn chót do người biểu tình đề ra về việc tổ chức trưng cầu ý dân đối với việc liên bang hóa Ukraine.
 

  Biểu tình tại miền Đông Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp (Ảnh: EFE)
Biểu tình tại miền Đông Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp (Ảnh: EFE)

Tại thành phố Slavyansk, người biểu tình có vũ trang đã bắt giữ các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Trước những diễn biến này, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov đặt quân đội Ukraine vào trong tình trạng "trực chiến toàn diện".

Ông Turchynov cho biết, lệnh báo động được đưa ra trong bối cảnh người biểu tình mở rộng hoạt động ở miền Đông Ukraine và có ý định gây bất ổn ở các khu vực miền Nam và Đông Nam. Để ngăn chặn căng thẳng leo thang trên toàn Ukraine, các nhà chức trách nước này đã ra lệnh thành lập các đơn vị quân đội đặc biệt ở các địa phương. Các lực lượng vũ trang Ukraine đêm qua cũng tiến hành diễn tập quân sự ở trung tâm Kiev.

Không chỉ mất dần kiểm soát tại khu vực phía Đông, Chính phủ lâm thời Ukraine đang thực sự lúng túng trong việc điều hành tình hình đất nước. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk hôm qua cảnh báo sẽ cải tổ nội các, nếu Chính phủ không đáp ứng yêu cầu của người dân tại phía Đông.

Một số nhà chỉ trích còn cho rằng, chính phủ Ukraine đang bị tê liệt bởi các cuộc đấu đá nội bộ. Quyền Tổng thống Ukraine hôm qua đã cách chức cảnh sát trưởng tại Donetsk và Lunhansk - nơi các tòa nhà chính quyền bị lực lượng biểu tình chiếm giữ. Thủ tướng Yatseniuk cũng khẳng định sẽ cách chức các Bộ trưởng nếu họ không khôi phục trật tự tại phía đông Ukraine.

“Ukraine yêu cầu có các hành động và kết quả. Nếu có hành động và kết quả, điều đó chứng tỏ rằng chính phủ đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Nếu trong tương lai gần, những hành động và kết quả thất bại, điều đó có nghĩa là cần sự thay đổi các cá nhân trong thành viên nội các” – ông Yatseniuk cho biết.

Trước những diễn biến căng thẳng gia tăng tại miền đông Ukraine, Nga khẳng định sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để ngăn chặn đổ máu và bảo vệ quyền của người dân Ukraine. Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko, Nga sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể, thông qua Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giúp các bên quay trở lại thỏa thuận tháng 2 và thỏa thuận Geneva vừa đạt được.

Chính phủ lâm thời Ukraine phải tuân theo những thỏa thuận này, nếu không họ sẽ tiếp tục đẩy đất nước vào một đường hầm tối tăm hơn. Theo bà Matviyenko, nguyên nhân những bất ổn tại Ukraine đó là Chính phủ Kiev hiện nay là bất hợp pháp, nên không được sự ủng hộ của người dân. Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cũng yêu cầu Kiev dừng ngay lập tức các hành động khiêu khích và tiến hành đối thoại với các lực lượng Ukraine, nhằm tiến tới một thỏa thuận quốc gia sâu rộng.

Đề cập đến các biện pháp trừng phạt hiện nay của Mỹ và đồng minh châu Âu nhằm vào Nga, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov khẳng định, Nga sẽ không đưa ra bất cứ hành động trả đũa nào ngay lập tức.

Ông Lavrov cho biết: “Theo Tổng thống Putin, những biện pháp trừng phạt được đưa ra do thiếu sự hiểu biết chung giữa các bên. Do đó chúng tôi không muốn hành động ngay lập tức, chúng tôi muốn các đối tác có cơ hội để bình tĩnh. Tuy nhiên nếu họ muốn tăng cường các biện pháp trừng phạt thì khi đó chúng tôi sẽ phải bắt đầu đánh giá lại tình hình”.

Nhiều động thái hòa giải giữa Nga và các nước châu Âu được đưa ra, sau khi Liên minh châu Âu tuyên bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết cuộc xung đột. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bác bỏ bất cứ giải pháp quân sự nào để giải quyết cuộc xung đột Ukraine./.



Theo Phạm Hà/VOV


.