Chuyến công du của Obama và vấn đề tranh chấp lãnh thổ

08:04, 21/04/2014
.

Các nước đồng minh Mỹ hy vọng sẽ thấy được sự cam kết rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ Tổng thống Mỹ
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến công du đến 4 nước châu Á từ ngày 23/4 tới. Trong chuyến công du châu Á này, Tổng thống Mỹ Barack Obama được kỳ vọng là sẽ đưa ra cam kết đối với các đồng minh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.

Cả 4 quốc gia trong hành trình chuyến công du của ông Obama- Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines – đều có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền đối với các đảo và vùng biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia này đều đang kỳ vọng chuyến đi của ông Obama sẽ hỗ trợ trong việc giải quyết xung đột.

Trung Quốc- chủ đề xuyên suốt chuyến đi

Mặc dù trong chuyến đi này, Tổng thống Mỹ không đến Trung Quốc, song vấn đề Trung Quốc sẽ là chủ đề xuyên suốt chuyến đi và làm việc ở 4 quốc gia. AFP dẫn lời ông Christopher Johnson, chuyên gia các vấn đề Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và chiến lược nhận định rằng Trung Quốc sẽ là “chủ đề xuyên suốt trong chuyến đi của ông Obama”.

Một bài báo đăng trên Manila Bulletin (Philippines) cho biết, các quan chức chính quyền Obama, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, đã tỏ thái độ cứng rắn hơn về các tranh chấp lãnh thổ trong những tuần gần đây, nghiêm khắc cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng vũ lực và xác nhận rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước an ninh Nhật- Mỹ. Nhưng mặt khác, trong một nỗ lực nhằm duy trì quan hệ với Trung Quốc, Mỹ cũng đã không chính thức đưa ra quan điểm về việc quốc gia nào có quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Rời Washington vào thứ Ba, Tổng thống Mỹ Obama sẽ dừng lại một thời gian ngắn tại Oso, tiểu bang Washington, nơi đã xảy ra vụ lở đất khiến hàng chục người thiệt mạng. Ông sẽ đến Nhật Bản vào thứ Tư (23/4). Chuyến công du 8 ngày này là chuyến đi đầu tiên của ông Obama tới châu Á sau khi Trung Quốc tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông hồi cuối năm ngoài, làm dấy lên những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trong khu vực.
 

 Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật tại Hội nghị Hạt nhân ở Hague, Hà Lan, ngày 24/3/2014 (Ảnh AP)
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật tại Hội nghị Hạt nhân ở Hague, Hà Lan, ngày 24/3/2014 (Ảnh AP)



Bắc Kinh đã tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) bao phủ phần lớn Biển Hoa Đông, bao gồm cả các đảo tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc cũng đã chặn tàu Philippines ở Biển Đông trong những tuần gần đây.

Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách Đường 9 đoạn, bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông, bao trùm các vùng chồng lấn với Philippines, Malaysia và một số quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Nam Á khác.

Theo giới phân tích, những căng thẳng trên Biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi ông Obama làm việc tại Manila. Những căng thẳng này đặt ra 2 vấn đề: tính khả thi và thích đáng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, và mối liên quan giữa những tranh chấp này với Hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Philippines. Cả Nhật Bản và Philippines đều kỳ vọng sẽ thấy được sự cam kết rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ phía đồng minh Mỹ.

Khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á

Hãng tin Reuters ngày 16/4 dẫn lời ông Richard Jacobson, một nhà phân tích quốc tế ở Manila (Philippines) nhận định rằng: “Chuyến đi của ông Obama sẽ là phép thử quan trọng về chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Mỹ”. Mối hoài nghi về chính sách châu Á của ông Obama đã bị dư luận ở nhiều nước châu Á hoài nghi sau khi ông đột ngột hủy chuyến thăm châu Á cuối năm ngoái khi Chính phủ Mỹ tạm thời bị đóng cửa.

Chính vì thế, một thách thức không nhỏ đối với chuyến công du châu Á của ông Obama lần này là phải tìm cách tái khẳng định và đảm bảo với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines rằng “Washington hoàn toàn cam kết thực hiện các hiệp ước quốc phòng” đã ký với các nước này. Phần khó khăn là làm sao Tổng thống Mỹ vừa làm an lòng được các đồng minh mà không làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

AFP dẫn lời bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ nói rằng, Tổng thống Obama sẽ tuyên bố rõ là các xung đột lãnh thổ và lãnh hải trong khu vực phải được giải quyết “bằng các giải pháp ngoại giao hòa bình dựa trên luật pháp, nhất là luật biển của Liên Hợp Quốc”.

Ông Jia Quingguo, Chủ nhiệm Khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Bắc Kinh nói với AFP rằng, việc Mỹ nghiêng về châu Á cho thấy sự thịnh vượng và ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực.

Đối với các quốc gia châu Á trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Mỹ cũng sẽ phải đưa ra câu trả lời về việc chính phủ Mỹ sẽ làm thế nào để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong bối cảnh vẫn còn một số nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối.

Theo trang Stars & Tripes, các trợ lý Nhà Trắng nói rằng họ tin tưởng Tổng thống Obama sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ bằng 2 chuyến đi tới 7 quốc gia châu Á trong năm nay: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào tuần này và Trung Quốc, Myanmar và Australia vào mùa thu tới./.



Bích Đào/VOV online


.