Crimea - Điểm nóng lịch sử

08:03, 02/03/2014
.

Sau khi khủng hoảng tạm lắng tại thủ đô Kiev, đến lượt Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine “tăng nhiệt”.
 

Biểu tình ủng hộ Nga ở thủ phủ Simferopol của Crimea - Ảnh: Reuters
Biểu tình ủng hộ Nga ở thủ phủ Simferopol của Crimea - Ảnh: Reuters



Sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất hôm 22.2, mọi sự chú ý dồn về Crimea. Tuy dân số chỉ 2 triệu dân nhưng bán đảo phía nam Ukraine này có vai trò rất đáng kể trong quan hệ giữa Kiev và Moscow. Từ ngày 25.2, nhiều vụ biểu tình quy mô lớn đã được tổ chức tại Crimea để phản đối chính phủ lâm thời Ukraine và ủng hộ Nga.

Trước những diễn biến phức tạp tại Ukraine và Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đệ trình lên thượng viện về việc can thiệp quân sự để đảm bảo quyền lợi của Nga ở Ukraine và được phê chuẩn, theo RIA Novosti.

Crimea thật sự là mối quan tâm lớn của Moscow vì nhiều lý do.

Cộng hòa tự trị

Theo báo Le Monde, kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, Crimea được công nhận là cộng hòa tự trị (thuộc Ukraine). Tuy cơ quan lập pháp của vùng này không được ban hành luật nhưng Crimea được tự chủ về ngân sách và có hiến pháp riêng từ năm 1999.

Về lịch sử, sau một thời gian thuộc đế quốc Ottoman, Crimea trở thành lãnh thổ của Nga vào năm 1783, dưới thời của Nữ hoàng Catherine II. Với vị trí thuận lợi ở biển Đen, bán đảo này ngay lập tức trở thành điểm nhấn chiến lược trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga vào thời đó.

Năm 1853, với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đế quốc Ottoman mở cuộc tấn công Crimea. Tuy Ottoman giành nhiều thắng lợi trong cuộc chiến làm khoảng 750.000 người chết này, nhưng Crimea vẫn thuộc về Nga.

Đến giữa thế kỷ 19, khí hậu ấm áp ven biển đã giúp Crimea trở thành điểm nghỉ mát ưa thích của những người Nga giàu có. Năm 1954, bán đảo này được Moscow “chuyển nhượng” cho Ukraine để kỷ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav. Hiệp ước nói trên khẳng định sự “trung thành” của Ukraine với Nga. Chỉ sau biến động lịch sử vào đầu thập niên 1990, những hệ quả của vụ “chuyển nhượng” nói trên mới lộ diện. Ukraine độc lập nên đương nhiên Crimea thuộc sự quản lý của Kiev mặc dù về lịch sử không có nhiều điểm chung.

Hiện người gốc Nga chiếm khoảng 60% dân số Crimea. Nhiều người trong số đó có quốc tịch Nga. Vì vậy, không khó hiểu khi người dân Crimea liên tục tổ chức biểu tình ủng hộ Nga và phản đối chính phủ mới của Ukraine, vốn chủ trương thân phương Tây.

Căn cứ Sevastopol

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Moscow không “rời mắt” khỏi Crimea là thành phố cảng Sevastopol, nơi đồn trú Hạm đội Hắc Hải của Nga. Ngay từ cuối thế kỷ 18, thành phố này đã đóng vai trò đáng kể đối với hải quân Nga.

Từ sau những biến cố vào đầu thập niên 1990, Sevastopol trở thành điểm “nhạy cảm” trong quan hệ ngoại giao giữa Moscow - Kiev. Hợp đồng ký kết năm 1997 giúp Nga duy trì căn cứ tại Sevastopol đến năm 2017.

Năm 2010, Tổng thống Yanukovych đã ký một thỏa thuận khác với Moscow để kéo dài thời hạn này đến năm 2041. Đổi lại, Nga đồng ý giảm 30% giá khí đốt cho Ukraine.

Theo báo Le Figaro, hiện căn cứ Sevastopol vẫn giữ vai trò chiến lược đối với Nga vì giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực. Ngoài ra, đây cũng là cung đường duy nhất mở ra Địa Trung Hải (thông qua các eo biển Dardannelles và Bosphore).



Lan Chi/Báo Thanh niên
 


.