Vòng 2 Hội nghị hòa bình Geneva 2 về Syria kết thúc thất bại

08:02, 15/02/2014
.

Vòng đàm phán thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2 về vấn đề Syria đã kết thúc ngày đàm phán “mang tính quyết định” vào hôm qua (14/2) tại Thụy Sỹ, nhưng không đạt được kết quả nào. Cả chính phủ và lực lượng đối lập bày tỏ sẽ tiếp tục tham gia vòng đàm phán thứ 3, trong đó phía chính phủ Syria vẫn bảo lưu quan điểm không thảo luận về việc thành lập một “cơ quan điều hành chuyển tiếp” cho đến khi nào lực lượng đối lập cam kết tham gia cuộc chiến chung chống khủng bố.

 

Phát ngôn viên Safi của Liên minh Dân tộc Syria (thuộc phe đối lập Syria) tại 1 cuộc họp báo sau vòng 2 Hội nghị Geneva (ảnh: AP)
Phát ngôn viên Safi của Liên minh Dân tộc Syria (thuộc phe đối lập Syria) tại 1 cuộc họp báo sau vòng 2 Hội nghị Geneva (ảnh: AP)



Trong ngày đàm phán cuối cùng của vòng hai trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2, hai bên chịu sức ép phải đạt được một số thỏa thuận nhằm tránh sự thất bại của vòng đàm phán này. Theo một nhà ngoại giao phương Tây, đây có thể xem là "liều thuốc thử" nhằm xác định liệu tiến trình hòa bình Syria có thể khai thông hay không.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc đàm phán tại Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cho biết hai bên không đạt được bước tiến nào. Đại diện chính phủ tới Geneva để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này bằng các biện pháp chính trị, nhưng phe đối lập lại tới đây với những chương trình nghị sự của phương Tây với 1 trọng tâm duy nhất là thành lập chính phủ chuyển giao. Ông nhấn mạnh, chính phủ Syria sẵn sàng thảo luận về vấn đề thành lập chính phủ chuyển tiếp, nhưng chỉ sau khi đã thảo luận vấn đề chống khủng bố.
Ngoài ra, ông Faisal Mekdad cho biết, chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện để triển khai các hoạt động cứu trợ tại các khu vực xung đột, nhưng với điều kiện có thể bảo đảm an toàn cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo: “Chúng tôi sẽ không cho phép ai xâm phạm biên giới Syria. Chúng tôi cũng đồng ý với Liên Hợp Quốc và 15 hoặc 16 tổ chức phi chính phủ rằng chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo tới bất kỳ khu vực nào ở Syria mà chúng tôi có thể bảo đảm an toàn cho các nhân viên cứu trợ”.

Phát biểu sau các cuộc gặp riêng rẽ với đại diện chính phủ và lực lượng đối lập, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi thông báo ông có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán thứ ba, nhưng chưa đặt ra thời gian cụ thể.

Trong khi đó, người phát ngôn Liên minh dân tộc Syria đối lập Louay Safi lại vẫn đổ lỗi cho chính phủ về sự thất bại của Hội nghị, song cho biết họ sẽ không đặt ra bất kỳ điều kiện nào cho vòng đàm phán tiếp theo: “Chúng tôi sẽ không đặt ra điều kiện cho vòng đàm phán thứ 3. Chúng tôi muốn nói rằng các cuộc đàm phán của chính phủ không mang lại kết quả nào. Đây không chỉ là đánh giá của chúng tôi. Các cuộc đàm phán không đi theo một hướng nào và vẫn giậm chân tại chỗ”.

Phe đối lập đã đưa ra một tài liệu gồm 22 điểm về giai đoạn quá độ chính trị, chủ yếu đề nghị thành lập một chính phủ chuyển tiếp, với trách nhiệm bầu ra một Quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức ngưng bắn, trả tự do cho tất cả các tù nhân, tạo điều kiện cho trợ giúp nhân đạo và các tay súng nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ Syria. Phe đối lập không hề nhắc đến đương kim Tổng thống Bashar al-Assad, không muốn ông có bất cứ một vai trò gì trên chính trường trong giải pháp của họ. Phía chính phủ không chấp nhận đề nghị trên và yêu cầu đặt ưu tiên vào vấn đề chống khủng bố.


Bình luận về tình trạng bế tắc hiện nay của các cuộc đàm phán về vấn đề Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích các nỗ lực khiêu khích Chính phủ Syria nhằm đẩy nước này khỏi Hội nghị hòa bình ở Geneva. Phát biểu với báo giới sau khi hội đàm với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đang ở thăm Nga, ông Lavrov cho rằng, một số thế lực đang cố chính trị hóa tất cả các vấn đề nhân đạo tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó bao hàm các đe dọa sử dụng vũ lực.

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng những lực lượng này có thể muốn buộc Chính phủ Syria phải đóng cánh cửa đàm phán và “đó là những nỗ lực sai lầm. Theo Ngoại trưởng Nga, các nỗ lực nhằm làm chệch hướng tiến trình chính trị tại Syria mang tính hệ thống, trong đó Mỹ và Pháp là các nước kiên trì đi theo con đường này nhất.

Sự thất bại của Hội nghị hòa bình Geneva 2 dường như đã được dự báo, bởi không chỉ do bất đồng nội bộ Syria, bất đồng giữa Nga và Mỹ mà còn vì thái độ thiên vị của phương Tây dành cho phe đối lập chống chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad./.



Ngọc Khương/VOV


.