Ukraine: Phía trước là một cuộc nội chiến?

01:02, 25/02/2014
.

Vùng đất được xem là thành trì của người Nga ở Ukraine – Crimea đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại chính phủ lâm thời vừa được thành lập cách đây vài ngày ở Kiev.
 

Một người phụ nữ Ukraine cầm lá cờ Xô Viết trên tay trong suốt một cuộc biểu tình tại thành phố công nghiệp vùng Donetsk, miền đông Ukraine hôm 22/2/2014.
Một người phụ nữ Ukraine cầm lá cờ Xô Viết trên tay trong suốt một cuộc biểu tình tại thành phố công nghiệp vùng Donetsk, miền đông Ukraine hôm 22/2/2014.

Những đoàn xe của các quan chức và những người ủng hộ Tổng thống Yanukovych đã lên đường rời thủ đô Kiev, tiến về phía nam tới bán đảo Crimea, nơi được xem là thành trì của người Nga tại Ukraine. Đây cũng là vùng đất duy nhất mà cuộc nổi loạn cách đây vài tháng đã không thể chạm tới.

Crimea (còn được gọi là Crưm) là một bán đảo lớn nằm ở Biển Đen, từ lâu vẫn được xem là vùng đất ngoại lai và là hòn đảo của người Nga trong một quốc gia đang “trôi dạt” về phía châu Âu. Ở đó, có thành phố Sevastopol, nơi đóng căn cứ hải quân của Nga và khoảng 25.000 quân. Hầu hết người Crimea vẫn tự nhận mình là người Nga chứ không phải người Ukraine.

Sau những biến cố tại thủ đô Kiev, Crimea đang chào đón những người thua cuộc trở về và xem họ như những người anh hùng. Đồng thời, họ đã chuẩn bị lực lượng, hình thành quân đội và chờ đợi một cuộc chiến để dành được quyền ly khai ra khỏi Ukraine.

Đối với chính phủ lâm thời non trẻ ở Ukraine, đây thực sự là một vấn đề cấp bách. Họ nhận được sự ủng hộ của hầu hết các miền đất nước, đặc biệt là khu vực phía đông. Tuy nhiên, họ đã không thể làm điều đó ở Crimea. Ngược lại, chiến thắng của họ chính là cơ hội tốt nhất để Crimea tìm cách thoát khỏi sự quản lý của Kiev. “Một cơ hội như thế này sẽ không bao giờ xuất hiện lần nữa”, Tatyana Yermakova, người đứng đầu cộng đồng Nga ở Sevastopol khẳng định.

Hôm thứ Tư (19/2), khi tình trạng bạo lực ở Kiev đang lên đến đỉnh điểm, Yermakova gửi đơn đề nghị tới điện Kremlin yêu cầu Nga gửi quân đội tới để “ngăn chặn một cuộc diệt chủng người Nga ở Crimea”. Trong thư của mình, bà cũng tố cáo cuộc chiến ở Kiev, cho rằng “nó đang được tiến hành bởi lính đánh thuê và nguồn tài trợ từ châu Âu và Mỹ chỉ với một mục tiêu duy nhất: hủy diệt người Nga trên thế giới”.

Mặc dù điện Kremlin chưa đáp ứng lời kêu gọi nói trên, nhưng những gì ở Ukraine khá tương tự với vùng ly khai Nam Ossetia của Gruzia (Georgia) năm 2008. Trong năm đó, Nga tuyên bố rằng người dân Nam Ossetia có nguy cơ diệt chủng khi quân đôi Gruzia cố gắng kiểm soát các khu nổi loạn bằng vũ lực. Nga đã phản ứng bằng cách gửi quân đến khu vực này, một cuộc chiến tranh ngắn diễn ra. Sau đó 1 tuần, một phần lãnh thổ Gruzia đã bị ly khai, trong đó bao gồm vùng Nam Ossetia.

Hôm thứ Bảy (22/2), khoảng 3.000 người Nga đã biểu tình tại quảng trường chính của Sevastopol, cách các tàu chiến Hạm đội Biển Đen của Nga một quãng đường ngắn. Trước đó, một phái đoàn cấp cao ngoại giao Nga đã đến Ukraine để đánh giá lựa chọn của họ. Họ đã gặp một đoàn biểu tình khoảng 3.000 người ở một thành phố của Kharkiv, tất cả họ đều đến từ các vùng thân Nga ở phía đông và nam Ukraine. Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã không tham dự. Các quan chức thân Nga và phái đoàn ngoại giao của Nga đã thông qua một nghị quyết lên án các nhà lãnh đạo đối lập là “cực đoan và khủng bố”.

Vadim Kolesnichenko, một thành viên quốc hội từ Crimea và là một chính trị gia thân Nga cho biết: “Nếu phe nổi dậy đồng ý hạ vũ khí, đầu hàng và rời khỏi tòa nhà chính phủ, chính quyền địa phương ở Crimea và đông Ukraine sẽ bỏ qua tất cả”. Theo đó cho thấy, điều mà lực lượng ở Crimea muốn đạt được là từ bỏ tính hợp pháp của chính quyền lâm thời hiện nay ở Ukraine.

Alexei Pushkov, đại biểu cao cấp nhất của Nga tại hội nghị thượng đỉnh đó, đã viết trên trang cá nhân Twitter của mình rằng: "Không có bất kỳ ý định ly khai nào tại Kharkiv… Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ nó (Crimea)”.

Hội nghị này có thể khiến phương Tây lo lắng. Tuy nhiên, nó đã kêu gọi công dân khu vực hình thành lực lượng dân quân ở Crimea và đông Ukraine cho “một sự hợp tác với các cấu trúc an ninh khu vực”. Một nhà lập pháp Crimea cho rằng lực lượng này là cần thiết nhằm chống lại những gì mà ông mô tả là “quân phát xít nổi loạn được hỗ trợ từ phương Tây”.

Nhiều người tham gia biểu tình ở Sevastopol đã sẵn sàng cho một cuộc chiến sắp xảy ra. “Họ sẽ đến đây và gây chiến”, Sergei Bochenko, người tự nhận là chỉ huy của một nhóm dân quân địa phương tại Sevastopol gọi là Tiểu đoàn Cossack cho biết. Ông cũng cho biết nhóm vài trăm người của ông đã trang bị súng trường tấn công và bắt đầu huấn luyện chiến đấu.

Trên thực tế, không có nơi nào ở Ukraine xem cuộc nổi loạn ở Kiev là một cuộc chiến tranh phát xít mới. Tuy nhiên, với những người ở Sevastopol thì cuộc chiến đó được điều hành bởi phát xít, và họ cho rằng “có liên quan đến Mỹ”.



Phan Sương/Infonet


.