Mỹ chi hàng tỷ USD nâng cấp bom nguyên tử B61

09:11, 07/11/2013
.

Mỹ dự định chi hàng tỷ USD nâng cấp loại bom nguyên tử B61 vốn được thiết kế nhằm ngăn chặn khả năng Liên Xô tràn qua châu Âu thời Chiến tranh Lạnh.
 

 Bom B61, được đặt cạnh chiến đấu cơ F-16, trong căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu.
Bom B61, được đặt cạnh chiến đấu cơ F-16, trong căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu.


Kế hoạch này là một phần trong dự án gây tranh cãi nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Theo đó, Mỹ sẽ khởi động việc nâng cấp số bom nguyên tử B61 hiện có thành loại B61-12 LEP có khả năng bắn chính xác hơn nhờ được gắn thêm bộ điều khiển dẫn đường mới Tail Kit Assembly.

Dự án sẽ được chính thức khởi động từ năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến ban đầu là 8,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp và chuyên gia Mỹ đã phản đối nỗ lực trên khi cho rằng đó là một sự lãng phí tiền của khổng lồ, đồng thời có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga.

Tuy nhiên, các tư lệnh và quan chức chính phủ hàng đầu của Mỹ đã lập luận rằng loại bom trọng lực này cần phải được duy tu để đảm bảo duy trì sức mạnh quân sự sau khi Mỹ tiến hành loại bỏ một số loại vũ khí lỗi thời.

"B61 là loại vũ khí duy nhất trong kho vũ khí đáp ứng được cả các nhiệm vụ chiến thuật lẫn chiến lược", Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ (STRATCOM), Tướng Robert Kehler khẳng định trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tuần trước.

Bom hạt nhân B61 được phiên chế trong Không quân Mỹ kể từ những năm 1970 với chức năng răn đe các lực lượng của Liên Xô trước đây tràn qua Tây Âu. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã loại bỏ hàng nghìn vũ khí nguyên tử chiến thuật ở châu Âu, song vẫn giữ lại 180 quả bom B61 vì đây là loại vũ khí “chiến thuật” tầm ngắn và là vũ khí hạt nhân duy nhất của Mỹ được triển khai tại những căn cứ của NATO tại các nước Đức, Bỉ, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Vũ Anh/Dân Trí

 


.