Trăm năm máy bay không người lái

07:07, 21/07/2013
.

Sau gần 100 năm định hình, máy bay không người lái đang dần trở thành vũ khí chiến lược trong tương lai của quân đội Mỹ.
 
Trong chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), bên cạnh những dòng chiến đấu cơ Thần Sấm (F-105 Thunderchief) hay Con Ma (F-4 Phantom), Mỹ còn tung ra một “đồ chơi tối tân” thời bấy giờ để cố gắng giành ưu thế. Đó là máy bay không người lái (UAV) Ryan Lightning Bug, mà Washington rất đề cao trong cuộc chiến, nhưng chẳng mấy khi được nhắc đến.  
 
 

 
X-47B thử nghiệm hoạt động trên tàu sân bay - Ảnh: DOD

 

Những nền móng đầu tiên
 
Theo tài liệu không quân Mỹ được lưu trữ tại quốc hội nước này, vào năm 1915, nhà sáng chế Nikola Tesla (1856 - 1943), người Mỹ được sinh ra ở Croatia, đã đề ra khái niệm đầu tiên để nghiên cứu  UAV. Lúc ấy, ông Tesla tin rằng đây sẽ là một phương tiện đem lại ưu thế trên chiến trường trong tương lai và việc nghiên cứu UAV được Mỹ âm thầm xúc tiến.
 
Đến năm 1919, nhà sáng chế Elmer Ambrose Sperry thử nghiệm thành công việc dùng thiết bị theo dạng máy bay không người lái đánh chìm một tàu chiến. Bước ngoặt tiếp theo diễn ra vào thập niên 1950 khi Lầu Năm Góc chính thức thử nghiệm UAV thứ thiệt để tiến hành các phi vụ do thám từ xa ở trần bay có thể lên đến 18 km. Loại UAV này là Ryan Firebee, được phát triển dựa trên hợp đồng giữa Lầu Năm Góc với Công ty hàng không Ryan. Ryan Firebee có nhiều phiên bản khác nhau, trong đó phiên bản tiêu chuẩn có chiều dài khoảng 7 m, sải cánh 3,9 m, trần bay 18 km, tốc độ tối đa khoảng 1.100 km/giờ, đủ sức hoạt động liên tục trong 75 phút. Nó có thể được phóng đi từ máy bay mẹ, thường là loại phi cơ vận tải C-130. Dòng Ryan Lightning Bug là một biến thể của loại Ryan Firebee.
 
 
 

Trăm năm máy bay không người lái 2 
Loại Ryan Lightning Bug từng có mặt tại Việt Nam - Ảnh: FAS

 
 

Lực lượng UAV của Mỹ

Theo tài liệu do Quốc hội Mỹ công bố, Lầu Năm Góc đang sở hữu hơn 7.000 UAV với số lượng từng loại như sau: 25 chiếc RQ-4A Global Hawk/BAMS-D Block 10/20/30/40; 54 chiếc MQ-9 Reaper; 161 chiếc MQ-1 Predator; 26 chiếc MQ-1 Warrior/MQ-1C Gray Eagle; 9 chiếc MQ-8B Fire Scout VTUAV; 25 chiếc MQ-5 Hunter; 364 chiếc RQ-7 Shadow; 122 ScanEagle; 5.346 chiếc RQ-11 Raven; 916 chiếc WASP; 377 chiếc gMAV/T-Hawk...

 

 

Theo tài liệu của không quân Mỹ, từ năm 1964, Ryan Lightning Bug được triển khai tại căn cứ không quân ở Biên Hòa (Việt Nam) và U-Tapao (Thái Lan) để tiến hành do thám miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Lúc bấy giờ, loại UAV này mang nhiệm vụ trinh sát dò tìm các địa điểm tập trung chiến đấu cơ, tên lửa đối không, chụp hình, quay phim và cả định vị mục tiêu để máy bay Mỹ tiến hành tấn công. Thông thường, Ryan Lightning Bug được máy bay C-130 đưa đến khu vực gần nhất có thể rồi tách ra khỏi “phi cơ mẹ” để xuất phát. Mọi hoạt động điều khiển thông qua sóng radio. Phi vụ đầu tiên được thực hiện vào ngày 20.8.1964 và đến ngày 30.4.1975 thì Mỹ vẫn triển khai các phi vụ do thám sau cùng bằng Ryan Lightning Bug. 

X-47B và tương lai UAV

Suốt nửa thế kỷ qua, Lầu Năm Góc tiếp tục tăng cường phát triển các dòng UAV dùng để do thám, nghiên cứu và cả chiến đấu. Hiện tại, chỉ Mỹ và Israel chính thức chế tạo, triển khai UAV vũ trang có khả năng tấn công. Lầu Năm Góc có 2 loại máy bay không người lái vũ trang danh tiếng là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Trong đó, MQ-1 Predator đạt tốc độ tối đa 217 km/giờ, tầm bay 1.100 km và trần bay 7,6km, có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, mang theo các loại tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire và AGM-175 Griffin, tên lửa đối không AIM-92 Stinger. Còn MQ-9 Reaper đạt tốc độ tối đa xấp xỉ 900 km/giờ, tầm hoạt động 1.850 km, trần bay 15 km, có thể hoạt động suốt 18 giờ, tích hợp 7 gá treo vũ khí để mang theo 14 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire hoặc 2 quả bom GBU-12 Paveway II.

Thế nhưng, cả MQ-1 Predator lẫn MQ-9 Reaper chưa đủ sức làm hài lòng Washington chiến lược phát triển UAV lâu dài. Lầu Năm Góc đang tích cực hoàn thiện loại UAV vũ trang X-47B có mức giá hơn 800 triệu USD, chuyên dụng cho tàu sân bay. Theo tài liệu của nhà sản xuất Northrop Grumman, X-47B có chiều dài 11,63 m, sải cánh 18,92 m có thể gập gọn còn 9,41 m, tầm bay gần 3.900 km, tốc độ tối đa xấp xỉ 1.100 km/giờ, trần bay 12 km và đủ sức mang theo 2 tấn vũ khí. Đầu tháng 7, hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công cho phép X-47B đáp xuống tàu sân bay.

Với những nền tảng phát triển tối tân như thế, Washington dự định gần như xóa bỏ ranh giới giữa chiến đấu cơ có người lái với UAV. Bằng chứng là truyền thông quốc tế tiết lộ Mỹ đang xúc tiến chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6 với cả phiên bản có người lái lẫn không người lái. Theo tạp chí The Airforce Magazine, chiến đấu cơ thế hệ 6 có thể đạt đến ngưỡng bội siêu thanh tức tốc độ hơn gấp 5 lần âm thanh, đủ sức chống lại các cuộc tấn công điện tử, xâm nhập hệ thống máy tính trung tâm, trang bị dây dẫn công nghệ quang học để chống nhiễu sóng. Nó có thể tấn công hệ thống điện tử và chiếm quyền điều khiển của đối phương bên cạnh việc tích hợp vũ khí laser và sóng từ để chiếm ưu thế về tốc độ và sự chính xác trong không chiến. Đặc biệt, tất cả những ưu thế trên có thể được hoạt động cực nhanh nhờ vào hệ thống xử lý và nhận biết tương tự trí tuệ nhân tạo. Nhờ đó, khả năng tự vận hành của các phiên bản không người lái sẽ được cải thiện đáng kể. Nếu như thế, những gì được đề cập trong các bộ phim khoa học viễn tưởng sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai không xa khi Mỹ dự tính sẽ sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 6 trong khoảng thời gian từ năm 2025 - 2030.

 

3 giai đoạn phát triển

Theo một báo cáo do Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey ký, Lầu Năm Góc đang theo đuổi chiến lược phát triển UAV gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2010 - 2015): Đẩy nhanh việc tích hợp UAV vào các hoạt động tác chiến. Tập trung đảm bảo Mỹ sẽ vượt trội về do thám, giám sát.

Giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2025): Tích hợp toàn diện UAV để giúp Mỹ đảm bảo khả năng vận hành tác chiến khẩn cấp.

Giai đoạn 3 (từ năm 2026 - 2035): Đây là giai đoạn mà UAV gần như có thể đảm đương hầu hết các hoạt động của không quân Mỹ.

 

 

Theo Ngô Minh Trí/Thanh niên

 


.