Nhà tù Tuôn Xleng - Chứng tích về sự tàn bạo của Khơ -me Đỏ

03:06, 11/06/2013
.
 

Gần 40 năm trước, để phục vụ cho việc thực thi đường lối chính trị của chính quyền Khơ-me Đỏ ở Cam -pu-chia, “Địa ngục trần gian” Tuôn Xleng (S21) đã được thành lập. Chỉ trong vòng 4 năm, nhà tù này là nơi giam giữ 17.000 người nhưng chỉ có 7 người sống sót quay về. Nhà tù Tuôn Xleng đã trở thành “nỗi ác mộng” của người Cam -pu-chia...

Nhà tù Tuôn Xleng trước đây là Trường Trung học Chao Ponha Yat, được xây dựng theo hình khối chữ U kiến trúc hoàn toàn giống nhau, dùng cho các lớp học, từ lớp một đến lớp sáu. Đến tháng 5-1975, trường được chính quyền Khơ -me Đỏ cải hoán thành nhà tù với tên gọi Nhà tù an ninh S21. “Địa ngục trần gian” này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-1975.
 
Những chiếc sọ người được trưng bày tại Bảo tàng Tuôn Xleng ở Cam -pu-chia. Ảnh tư liệu.
Những chiếc sọ người được trưng bày tại Bảo tàng Tuôn Xleng ở Cam -pu-chia. Ảnh tư liệu.


Vai trò chính của nhà tù Tuôn Xleng là thực thi đường lối chính trị của Khơ -me Đỏ đối với kẻ thù với phương châm các tù nhân “phải bị tiêu diệt hoàn toàn”, đồng nghĩa với “giết chết”. Theo lệnh của cấp trên, Cang Kếch Yêu (tức Duch), trùm cai ngục của chế độ Khơ -me Đỏ, đã cho bắt tất cả phụ nữ, trẻ em và thân nhân của những người bị tình nghi chống chính quyền Khơ -me Đỏ (trong chiến dịch thanh lọc) và đem đi giết sạch. Trong lời khai trước Tòa án xét xử tội ác Khơ -me Đỏ cách đây ba năm, Duch cho biết, ảnh chụp tất cả tù nhân đều được gửi đến Tuôn Xleng để cấp lãnh đạo Khơ -me Đỏ biết chắc thành phần chống đối mình đã nằm trong rọ, ảnh chụp cảnh hành hình để biết chắc họ đã bị khử.

Ngay khi được đưa đến Tuôn Xleng, các tù nhân bị buộc phải cởi bỏ hết quần áo, đồ dùng cá nhân và tư trang để lính canh kiểm tra. Những đồ vật có giá trị đều bị tịch thu không giải thích. Tù nhân bị nhốt với số lượng khoảng 40-100 người /buồng. Tầng 1 dành cho những tù nhân quan trọng hơn, bị cùm vào chân giường; còn tầng 2 được cải tạo thành những xà lim chật hẹp cho tù nhân đặc biệt, bị cùm trực tiếp xuống sàn nhà. ở tầng 1 có một buồng giam lớn cho nữ tù nhân và trẻ em; ở đây có cả những trẻ em còn ẵm ngửa cũng phải ở tù với mẹ vì cha chúng đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.

Các quy định hà khắc trong trại khiến cuộc sống của các tù nhân bị kìm kẹp và tước đi của họ những điều kiện sống tối thiểu nhất của con người. Các tù nhân bị giam giữ trong buồng giam nhỏ có diện tích 0,8x2m, bị xích chân bằng sợi xích to chôn chặt vào tường hoặc nền nhà xi măng; còn những nạn nhân bị giam trong buồng giam lớn có diện tích 8x6m bị xích một hoặc cả hai chân vào những thanh cùm ngắn hoặc dài. Mỗi ngày cai tù kiểm tra nạn nhân 4 lần và thay ngay mọi cùm bị lỏng. Nếu nạn nhân nào vi phạm các quy định mà chúng đề ra sẽ bị phạt từ 20 đến 60 gậy. Muốn thay đổi tư thế khi ngủ, nạn nhân cũng phải xin phép của cai tù. Cách 2-3 ngày hoặc thậm chí nửa tháng, các phạm nhân mới được tắm...

Tuy nhiên, dã man nhất tại nhà tù Tuôn Xleng chính là các màn tra tấn tàn bạo của những tên đao phủ như đánh đập, chích điện đến bất tỉnh, dìm đầu vào thùng nước, dùng kìm rút móng tay rồi đổ rượu vào. Thậm chí, tù nhân còn bị "tùng xẻo" hoặc bị chụp bao ni lông vào đầu và thắt chặt cho đến khi lồi mắt ra, đổ a -xít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập... Những vết máu bắn ra của nạn nhân vẫn còn in đậm trên tường và trần nhà.

Từ trại tù này, phạm nhân thường bị đưa ra “Cánh đồng chết” ở ngoại ô Phnôm Pênh để xử bắn và chôn tại chỗ. Nhiều người bị cắt cổ, một số lớn khác bị mổ bụng hoặc bị đóng đinh vào đầu. Vào thời kỳ đen tối nhất, hầu như ngày nào cũng có những chuyến xe chở tù nhân đến nhà tù Tuôn Xleng để “giải quyết” nhanh gọn và đỡ tốn kém. Bọn cai ngục “ưu tiên” cầm trẻ em quật vào gốc cây. Nhiều gốc cây trong và xung quanh nhà tù, thậm chí đã mòn vẹt cả gốc vì sọ người đập vào.

Đầu năm 1979, được bộ đội tình nguyện Việt Nam hỗ trợ, lực lượng cách mạng Cam -pu-chia đã lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Phnôm Pênh.

Năm 1980, khi khai thác, thống kê hồ sơ số tù nhân của trại Tuôn Xleng, người ta đã phát hiện được 6.000 tấm ảnh tù nhân, 4.000 bản thú tội, 200.000 biên bản đánh máy ghi lời khai và viết tay tự khai và những mệnh lệnh, chỉ thị khác. Trong số tài liệu này có bút tích phê duyệt danh sách tù nhân sẽ bị tử hình, đặc biệt còn có một bản chỉ đạo của Duch về việc thủ tiêu 17 trẻ em có cha mẹ đã bị kết tội là gián điệp.  Đó là lý do vì sao nhà tù Tuôn Xleng được xếp vào danh sách 10 nhà tù khét tiếng khủng bố nhất thế giới.

Đất nước Cam -pu-chia ngày nay đang hồi sinh và tươi đẹp chính là nhờ sự hy sinh, đổ máu của biết bao người con Cam -pu-chia và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Sự hy sinh cao cả và anh dũng vì tình hữu nghị quốc tế của Bộ đội Việt Nam mãi là hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè thế giới! “Chế độ diệt chủng chỉ tồn tại 4 năm, nếu lâu hơn nữa không biết đất nước Cam -pu-chia sẽ đi về đâu. Và nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”, Thủ tướng Cam -pu-chia Hun Xen từng bày tỏ.

Quá khứ rồi sẽ lùi sâu vào dĩ vãng, song tội ác diệt chủng với gần hai triệu người bị giết, mà nhà tù Tuôn Xleng là điển hình của sự dã man tàn bạo, sẽ mãi là vết nhơ trong lịch sử một dân tộc.
 


Theo Bình Nguyên/Báo Quân đội nhân dân

.