Thể thao Quảng Ngãi: Những dấu ấn khó phai

10:06, 27/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ở giai đoạn nào, thể thao thành tích cao của Quảng Ngãi cũng luôn có những VĐV làm rạng danh quê hương. Cùng với đó, thể thao phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo nên không khí vui tươi cho nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Để tổng kết thành quả của thể thao tỉnh nhà trong 30 năm qua là điều không hề dễ dàng. Vì thế, những gương mặt hay hoạt động được dẫn ra sau đây chỉ là “một góc nhìn” về thể thao Quảng Ngãi.

Ấn tượng  “võ sĩ vàng”

Nói về thể thao Quảng Ngãi, không thể không nhắc đến thế mạnh của các môn võ. Dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng xuyên suốt quá trình phát triển, võ luôn là nội dung đem lại nhiều vinh quang cho thể thao tỉnh nhà.

Võ cổ truyền là môn thế mạnh của thể thao Quảng Ngãi.                              ẢNH: PV
Võ cổ truyền là môn thế mạnh của thể thao Quảng Ngãi. ẢNH: PV

Khoảng 10 - 15 năm trước, cái tên Trần Quốc Việt, ở Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) nổi lên như “độc cô cầu bại” trong làng boxing Việt, khi võ sĩ này đã mang vinh quang về Tổ quốc tại nhiều đấu trường quốc tế. Trong đó có nhiều thành tích rất đáng nể như: Đoạt huy chương trong suốt 6 kỳ SEA Games; HCB Giải Boxing trẻ Châu Á năm 2004; HCĐ Giải Vô địch Quyền Anh Châu Á năm 2005; HCĐ Giải Boxing vô địch thế giới năm 2009; đồng thời giữ 2 đai của Let’s Việt trong năm 2013 và 2014...

Trong môn wushu, năm 2016, võ sĩ Đinh Văn Hương (Sơn Hà) đã làm rạng danh xứ Quảng, khi giành HCV Giải Vô địch Wushu Châu Á. Đây là thành tích cao nhất của VĐV Quảng Ngãi trên đấu trường quốc tế từ trước đến nay.

Dù chưa thể so đọ về thành tích với các đàn anh, nhưng trong thời gian qua, nhiều gương mặt trẻ của làng võ Quảng Ngãi đã liên tiếp mang vinh quang về cho tỉnh. Có thể kể đến một số võ sĩ như: Phạm Công Minh (HCV wushu Đại hội TDTT toàn quốc 2018); Nguyễn Văn Tiên (HCV Vovinam Đại hội TDTT toàn quốc 2018); Lê Duy Trung (HCĐ Giải vô địch Boxing trẻ Đông Nam Á)... Đây là những gương mặt hứa hẹn duy trì những thành công cho thể thao Quảng Ngãi.

Nữ hoàng marathon

Trong 30 năm qua, hiếm VĐV nào của Quảng Ngãi có sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho hàng nghìn người như Phạm Thị Bình (30 tuổi, hiện là HLV Đội tuyển điền kinh trẻ Quảng Ngãi). Bình sinh ra ở một miền quê của huyện Bình Sơn và đến với thể thao hết sức ngẫu nhiên, khi được phát hiện tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Sự nhanh nhẹn và dẻo dai trên đường chạy có gì đó rất khác biệt của Bình đã lọt vào mắt xanh các HLV. Năm 2009, ngay tại giải vô địch quốc gia đầu tiên của mình, Bình lập tức xuất sắc đoạt ngay tấm HCB và gây sửng sốt cho giới chuyên môn.

Bình vốn mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng nhờ những nỗ lực kỳ diệu và cả yếu tố may mắn, chị đã vượt qua để trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam giành HCV nội dung marathon ở SEA Games (năm 2013). Đặc biệt, đỉnh cao của Bình là đoạt HCĐ Giải Marathon Châu Á (năm 2011) - điều mà chưa VĐV marathon Việt Nam nào vươn tới.

Thể thao phong trào “lên ngôi”

Những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp. Ðể đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, các thiết chế thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Ở TP.Quảng Ngãi, không khó để tìm đến những trung tâm TDTT bài bản, khoa học, mà nổi bật là Trung tâm Thể thao Tuấn Minh. Tại đây, người yêu thể thao có thể chọn một hay nhiều môn để tập luyện như: Bóng đá, bơi lội, gym, yoga, bóng chuyền... Với cách làm bài bản, quy củ, mỗi năm, Trung tâm thu hút hàng nghìn người đến rèn luyện sức khỏe hay thi đấu.

Các VĐV tham gia Giải việt dã
Các VĐV tham gia Giải việt dã "Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng" năm 2019. ẢNH: TL

Bên cạnh đó, nhiều CLB thể thao như: Cầu lông, bóng bàn, tennis, xe đạp, yoga... cũng “nở rộ”. Các Trung tâm TDTT Diên Hồng, Nhà thi đấu Đa năng tỉnh, Nhà thi đấu T.50... đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tập luyện, thu hút nhiều người dân đến luyện tập thể thao thường xuyên.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư các thiết chế thể thao và sự phát triển sâu rộng của thể thao quần chúng, đã giúp nhiều giải thi đấu phong trào được duy trì và mở rộng. Điển hình như: Giải bóng đá Đoàn khối Các cơ quan tỉnh đã tổ chức 12 năm liên tiếp; Giải cầu lông tỉnh Quảng Ngãi mở rộng (tổ chức đến lần thứ 10)...

Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao để động viên, cổ vũ phong trào. Giải thể thao ở cơ sở thường gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo không khí vui tươi và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng cao của nhân dân.
 

Nỗi buồn bóng đá đỉnh cao

Bóng đá Quảng Ngãi tham gia Giải hạng Nhất Quốc gia năm 2008. ẢNH: HOÀNG HÀ
Bóng đá Quảng Ngãi tham gia Giải hạng Nhất Quốc gia năm 2008. ẢNH: HOÀNG HÀ

Nói đến sự cuồng nhiệt với bóng đá, thì người hâm mộ Quảng Ngãi không thua kém bất cứ địa phương nào. Thế nhưng, nhiều năm qua, hạng đấu cao nhất mà Quảng Ngãi tham gia chỉ là A2 hay hạng Nhất hoặc lọt vào Vòng chung kết Cúp Quốc gia. Năm 2015, đội U17 đoạt HCĐ ở Giải vô địch U17 Quốc gia được kỳ vọng mở ra chương mới cho bóng đá Quảng Ngãi. Vậy nhưng năm 2018, Quảng Ngãi cũng đã xin thôi không tham gia Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia.


HOÀNG ANH
 


.