Thầy bản lĩnh, trò tự tin và...

04:01, 28/01/2018
.

Thanh Thảo  


(Baoquangngai.vn)- Tôi rất mừng nhận thấy, sau hàng loạt chiến thắng cực kỳ ấn tượng của thầy trò U23 Việt Nam, trong khi vai trò của người Thầy Park Hang-seo nổi lên, vai trò của từng thành viên trong đội tuyển nổi lên, vai trò của HLV thể lực và dinh dưỡng nổi lên, thì may mắn thay, vai trò của lãnh đạo VFF mờ nhạt hẳn.

Trừ một lần thấy ông Tổng thư ký VFF phát biểu mấy câu nhạt nhẽo trên ti-vi, thì hầu như dân yêu bóng đá Việt Nam đã quên ngay cái Liên đoàn hùng mạnh này. Họ xuống đường vì HLV trưởng, họ xuống đường vì cầu thủ, họ xuống đường vì một cầu thủ dự bị vào sân ở hiệp 2 là Hồng Duy-cầu thủ quê Bình Phước-một cầu thủ đã góp phần tích cực xoay chuyển thế trận có lợi cho đội Việt Nam.  

Từ BẢN LĨNH Park Hang-seo

Dù đã từng là trợ lý thứ nhất cùng HLV trưởng Guus Hiddink đưa đội tuyển quốc gia Hàn Quốc chiếm vị trí thứ 4 oai hùng tại World Cup 2002 tổ chức tại Hàn Quốc, nhưng rất ít người Việt Nam biết tên ông Park Hang-seo, cho tới khi…Vâng, cho tới khi ông cầm U23 Việt Nam chơi ấn tượng tại một giải giao hữu tại Thái Lan, gọi là giải M150 Cup.

 

Tại giải ấy, U23 Việt Nam đã đánh bại U23 Thái Lan với tỉ số 2-1 và đoạt hạng Ba chung cuộc. Dĩ nhiên, một giải giao hữu chưa nói được gì nhiều, nhưng người hâm mộ Việt Nam đã thoáng thấy, từ ông Thầy Park Hang-seo lấp lánh một cái gì. Đó là cách thay người quyết đoán, là việc mạnh dạn dùng những cầu thủ mới, miễn là anh ta phù hợp với lối chơi của đội bóng.

Cũng như cầu thủ Việt Nam đã có bước chuyển đáng mừng về thể lực so với trước đây. Vì đối đầu với Thái Lan bao giờ cũng gây cho Việt Nam rất nhiều khó khăn về tâm lý, nhưng đội quân ông Thầy Park đã chơi ngang ngửa và không chút e dè trước “người bạn khó chịu nhất” này. Và đã thắng.

Khi tới giải U23 Châu Á, vừa đúng điểm rơi thể lực của cầu thủ Việt Nam, lại được HLV truyền được ngọn lửa tự tin, bất khuất, đội U23 Việt Nam gần như không còn biết sợ trước bất cứ đối thủ nào. Đó là điều xưa nay chưa từng xảy ra. Sự tự tin ấy lập tức được thể hiện qua những trận đấu lội ngược dòng trước những đối thủ mạnh hơn, có đẳng cấp hơn.

Và điều kỳ lạ, cho tới trận gặp Qatar, thì vấn đề cách biệt về đẳng cấp đã được giải quyết. U23 Việt Nam đã “vươn vai như Phù Đổng” và tỏ ra không hề lép vế trước Qatar, thậm chí ở hiệp hai, đã đẩy Qatar vào thế bị động khi liên tiếp tung ra những đợt phản công bất ngờ. Tỉ lệ cầm bóng của Việt Nam cũng cao hơn hẳn những trận trước, và những bàn thắng như là kết quả của lối chơi tự tin tích cực này.

Việc Hồng Duy vào sân vì sao khiến đội bạn bối rối? Vì Hồng Duy đá vai hậu vệ biên nhưng thường xuyên dâng lên tấn công, và những pha mở biên của anh có sự khác biệt so với lối đá ở hiệp 1 của đội Việt Nam. Sở dĩ Hồng Duy có thể dâng cao mà không sợ trống lưng, vì lối chơi giữ vững cự ly đội hình và xoay chuyển cả đội hình hướng theo mũi tấn công chính của đối phương, từ đó xé lên những mũi phản công làm rối loạn đội hình, cùng với tung hai gọng kềm bọc vào sau lưng địch quân gợi chúng ta nhớ đến lối đánh mà Đại Nguyên soái Kutuzov đã dùng trên chiến trường Borodino năm 1812 trước đội quân viễn chinh của Napoleon Bonaparte.

Xoay chuyển cả đội hình trong khi vẫn giữ cự ly chặt chẽ, không hề là chuyện dễ dàng. Nhưng ngày xưa, Kutuzov đã làm được, và bây giờ, Park Hang-seo đã làm được. Dù đánh trận với đá bóng là khác nhau. Kỳ lạ thay, Ngài Kutuzov hồi đó cũng được mệnh danh là “Mr Ngủ gật”, do Ông thường… ngủ gật trong những cuộc họp vô bổ. Giống như cách vừa đây người ta gọi ông Park Hang-seo.

Hóa ra, những giây phút “ngủ gật” ấy chính là những giây phút tỉnh trí nhất của những nhà chiến lược. Tỉnh trí để tính toán, trong lặng lẽ, những nước cờ bất ngờ nhất. Bản lĩnh của Park Hang-seo được xây dựng từ kiến thức, từ sự hiểu biết, biết người và biết mình. Chẳng phải vô cớ mà một thầy hiệu trưởng trường Mỹ ở TP HCM đã mong sao các thầy dạy học cũng có được bản lĩnh ấy. Bản lĩnh được xây dựng, được tích hợp từ tri thức.

 Tới  BẢN LĨNH U23 Việt Nam   

Không phải cứ thắng mới thể hiện bản lĩnh, mà thua thì không thể hiện được. Trong trận mở đầu thua U23 Hàn Quốc 1-2, bản lĩnh của U23 Việt Nam đã được thể hiện. Dù tỉ lệ cầm bóng rất thấp, chưa tới 30%, nhưng U23 Việt Nam không chơi bóng như những người lép vế, yếu đuối. Họ kìm nén chờ cơ hội bật lên, chứ không phải co mình khuất phục.

Bản lĩnh này thể hiện rất rõ trong một trận thua, và thể hiện một cách từ tốn nhưng chắc chắn qua ba trận thắng sau đó, trước Australia, Iraq và Qatar. Không một vị trí nào của U23 Việt Nam tỏ ra mất tinh thần, đội hình xoay chuyển, và mỗi cầu thủ cũng xoay chuyển trong đội hình, nhưng họ luôn tìm thấy nhau, luôn kêu gọi được nhau. Đó là điều ông Park tuyệt đối yêu cầu ở các học trò của mình.

Tùy tình huống, tùy cả lối chơi của đối thủ, mà có lúc U23 VN chơi ban ngắn, phối hợp nhỏ, có lúc phóng những đường chuyền vượt tuyến để tiền đạo đua tốc độ và gây hỗn loạn cho hàng thủ đối phương. Đó là sự cởi mở trong lối chơi, tùy cơ ứng biến mà người Việt Nam đã rất thông thạo từ trong chiến tranh. Sau giải này, cái được lớn nhất của U23 Việt Nam là được kinh nghiệm, được trải nghiệm, và có thể tự tin chủ động với lối chơi của mình.

U23 Việt Nam đã lẫm liệt vào chung kết. Và ở trận cuối cùng ấy, đã kiên cường giữ thế trận với tỉ số cân bằng tới phút 119. 

Nhưng bóng đá là như vậy. Kiên cường suốt 119 phút, U23 Việt Nam đã vượt qua những thử thách tưởng chừng không thể vượt nổi. Nhưng chúng ta đã đứng vững. Quang Hải với cú sút phạt “cầu vồng trong tuyết lạnh” đã đưa trận đấu về thế cân bằng tỉ số. Trước một đối thủ mạnh nhất giải, U23 Việt Nam đã chơi biết người biết ta nhưng không một phút chùn chân.

Sự kiên cường là phẩm chất cao cả của con người trong nghịch cảnh, và U23 VN đã chứng minh được phẩm chất ấy của mình. Những phút dồn ép cực kỳ căng thẳng, những pha sút xa trong điều kiện sân trơn bóng ướt, nhưng thủ môn Tiến Dũng đã chơi bình tĩnh đến kinh ngạc. Anh đã hóa giải nhiều pha bóng nguy hiểm, trong đó có một tình huống ngỡ như bàn thua đã tới. Chưa bao giờ một đội bóng Việt Nam lại phải chơi bóng trong điều kiện thời tiết khủng khiếp như vậy với người sống ở miền nhiệt đới. Nhưng họ đã vượt qua, cho tới phút chót.

Cứ ngỡ, rồi những loạt sút luân lưu sẽ đến. Nhưng quyết định thay người quá chính xác của HLV Uzbekistan, đưa tiền đạo ‘cây sào” số 11 vào sân khi hiệp phụ thứ hai sắp kết thúc đã mang lại hiệu quả tức thì. Và hàng phòng ngự Việt Nam đã không kịp thích nghi với cầu thủ có chiều cao quá cỡ này. 

Chỉ còn một phút nữa, có thể là bình minh cho U23 VN, những cầu thủ sút phạt đền tuyệt vời. Nhưng rồi, phải nhắc lại ở đây câu thơ ngạo nghễ của nhà cách mạng Cần Vương Nguyễn Duy Hiệu:

“Nhắn bảo nỗi chìm ai đó tá,

Chớ đem thành bại luận anh hùng”

Những cầu thủ U23 chúng ta đã xứng danh anh hùng. Và họ đã vô địch trong lòng người hâm mộ Việt Nam với biết bao xúc cảm. Bàn thua ấy, vào phút chót ấy, chỉ là đáng tiếc. Nhưng nó không hề đáng buồn. Nó khiến trận chung kết này với U23 VN đậm màu tráng ca. Vì nổi bật lên, vươn lên trên tuyết lạnh là những trái tim nóng đầy nhiệt huyết của Việt Nam, của sự kiên cường Việt Nam đã từng khiến bạn bè chúng ta tự hào và đối thủ của chúng ta nghiêng mình cảm phục.

U23 Việt Nam đã tiếp bước những lớp người Việt Nam kiên cường như những lớp sóng trào lên, mãnh liệt và bình thản. Ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hào vì mình là người Việt Nam, không bao giờ biết khuất phục, như các em cháu chúng ta ở đội U23 Việt Nam đã chứng minh ở trận chung kết lịch sử này.

Một thế hệ trẻ đầy tự tin, đầy quả cảm và đặc biệt kiên cường đã xuất hiện và đã thể hiện. 

Bắt đầu từ đây, một chương mới nhiều hy vọng của bóng đá Việt Nam đã được mở ra. Hãy biết chắt chiu những gì mình có được. Hãy khiêm nhường nhưng bản lĩnh để đi tiếp những chặng đường sắp tới, mở những trang mới cho mỗi chúng ta đều có thể tự hào vì mình là người Việt Nam. Vượt lên trên tất cả mọi điều.  

 


.