HCV của 10 năm khổ luyện

03:09, 23/09/2017
.

Kình ngư 35 tuổi Hà Văn Hiệp đã khóc khi nhận HCV 50m ếch nam hạng thương tật SB3. Đây là chiếc HCV ASEAN Para Games đầu tiên của anh sau 10 năm khổ luyện.

 

  Hà Văn Hiệp và chiếc HCV ASEAN Para Games sau 10 năm khổ luyện. Ảnh: T.P
Hà Văn Hiệp và chiếc HCV ASEAN Para Games sau 10 năm khổ luyện. Ảnh: T.P


Hiệp có hạng thương tật nặng nhất của bơi khuyết tật VN với cột sống bị vẹo, cánh tay trái rất yếu và một đôi chân bị liệt. Vậy mà Hiệp vẫn bơi được trên mặt nước.

Nước mắt 
ngày hạnh phúc

Tuổi lên 3, Hiệp vẫn đi đứng như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng cơn sốt bại liệt ập đến khiến anh bị liệt cả tứ chi. “Cha mẹ phải bán hết ruộng vườn để mong giữ mạng cho tôi. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa trả hết số nợ từ thuở đó. Sau đó, tuy hai tay tôi dần hồi phục nhưng tay trái rất yếu” - Hiệp kể.

Thay vì nằm một chỗ, chiều chiều Hiệp lại cùng đám bạn tắm sông. Lúc ấy, Hiệp chỉ vùng vẫy trong nước theo bản năng. Dần dà, Hiệp cũng bơi nhanh không kém chúng bạn. Năm 2007, Hiệp đánh bạo đi thi giải khuyết tật toàn quốc và đoạt ngay HCV trong sự bất ngờ của mọi người. Đến nay, anh vẫn không có đối thủ ở hạng thương tật của mình tại giải quốc gia.

Nhưng bước ra quốc tế, Hiệp luôn gặp trắc trở bởi lúc thì ban tổ chức bỏ nội dung của anh, lúc thì không đủ người thi đấu vì thương tật quá nặng, lúc lại phải ghép chung những người thương tật nhẹ hơn... Vì thế, ba kỳ ASEAN Para Games trước, Hiệp chưa một lần có HCV.

Mỗi lần như vậy, Hiệp càng kiên trì với quyết tâm phải giành chiếc HCV. Gần 10 năm, anh liên tục chấp nhận xa nhà, bỏ công ăn việc làm để lên TP.HCM khổ luyện. Và nỗ lực của anh đã được đền đáp bằng chiếc HCV 50m ếch SB3 trên đất Malaysia. “Tôi đã khóc khi quốc ca VN vang lên. Tính từ ngày tôi vô địch VN đến giờ đã đúng 10 năm lận đận ở đấu trường quốc tế. Dù vậy, tôi vẫn luôn tin tưởng sẽ có ngày hạnh phúc” - Hiệp chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.

Vẫn có ích cho đời

Hiệp nói: “Tiền thưởng có được từ bơi lội, tôi gom góp đưa cho cha mẹ để trả dần những món nợ chữa bệnh cho tôi lúc trước. Phần còn lại tôi để dành lo cuộc sống của mình để không làm gánh nặng cho người khác”.

Tuy cuộc sống vẫn tiền đong, gạo đếm hằng ngày nhưng Hiệp vẫn thường đi chặt cây thuốc nam để làm từ thiện ở nhiều nơi. Cũng từ đó, Hiệp được các thầy thuốc truyền cho nghề châm cứu, bấm huyệt. Sau đó, Hiệp quyết học bài bản để chữa miễn phí cho người nghèo. Hiệp chia sẻ: “Mình khó nhưng còn được no bụng, trong khi nhiều cảnh đời còn khổ hơn nhiều. Việc dầm mưa dãi nắng khiến những người bán vé số, bán ve chai dễ nhức đầu, mệt mỏi. Vì thế, tôi châm cứu bấm huyệt để giúp họ giảm đi những cơn đau đầu hay mệt mỏi”.

Ngoài việc học giỏi tiếng Anh (tự học), Hiệp cũng rất khéo tay và từng tốt nghiệp các khóa đào tạo mỹ thuật, thiết kế đồ họa. Hiện nay, đó là thú tiêu khiển của anh mỗi khi rảnh rỗi. “Tôi ước sau khi kết thúc đời VĐV sẽ đủ tiền mở tiệm rửa ảnh đúng sở thích. Ước mơ có xa xôi một tí nhưng hãy cứ nỗ lực hết mình. Chiếc HCV ASEAN Para Games là một minh chứng. Tôi đã phấn đấu cật lực suốt 10 năm mới thành công” - Hiệp nói về ước mơ của mình như thế.


Theo TẤN PHÚC/Tuổi trẻ Online

 


.