Những người tiếp bước Hùng kê quyền

07:01, 31/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Trước khi qua đời, cố võ sư Ngô Bông đã kịp truyền lại cho thế hệ sau những “tuyệt kỹ” của Hùng kê quyền. Để rồi, bài quyền trứ danh gắn liền với tên tuổi ông ngày càng nổi danh trong giới võ thuật.
Ở thời điểm năm 1993, Hùng kê quyền được Liên đoàn võ thuật Việt Nam chọn là một trong 10 bài quyền võ thuật cổ truyền Việt Nam. Và cố võ sư Ngô Bông- người đã đem bài quyền này giới thiệu với giới võ thuật lúc bấy giờ, được công nhận là truyền nhân duy nhất của bài quyền độc đáo này.
 
Cả đời gắn với nghiệp võ
 
Cố võ sư Ngô Bông đã tạ thế hơn 5 năm, nhưng những tuyệt kĩ tinh tế nhất của các bài quyền của ông vẫn còn được lưu truyền và nổi danh.  Trong đó, phải kể đến bài Hùng kê quyền.
 
Tại võ đường của võ sư Ngô Lâm (47 tuổi, con ruột cố võ sư Ngô Bông) ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), các võ sinh đều thuộc nằm lòng hai câu thơ đầu trong lời thiệu bài Hùng kê quyền: “ Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/Song túc tề phi trảo thượng xung”… ( Hai con gà chọi nhau để tranh hùng/Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên), như để nhắc nhớ về người sáng lập ra võ đường-cố võ sư Ngô Bông cùng bài Hùng kê quyền vang danh thiên hạ.

 

Võ sư Ngô Lâm truyền dạy bài võ Hùng kê quyền cho các võ sinh với lời chân truyền nhận được từ cố võ sư Ngô Bông
Võ sư Ngô Lâm truyền dạy bài võ Hùng kê quyền cho các võ sinh với lời chân truyền nhận được từ cố võ sư Ngô Bông
 
Đến với nghiệp võ từ năm 11 tuổi, cố võ sư Ngô Bông thông thạo rất nhiều tuyệt kỹ như đao, thương, kiếm, côn, quyền… Những ai từng chứng kiến cố võ sư Ngô Bông thượng đài hay biểu diễn đều không quên hình ảnh bộ pháp nhanh như tia chớp, ánh mắt sắt nhọn như đao kiếm.
 
Bài võ Hùng kê quyền cũng là một cơ duyên hiếm gặp trong nghiệp võ của cố võ sư Ngô Bông. “Cha tôi mồ côi sớm, ở với ông bà ngoại. Lúc đó, ông ngoại của tôi là một nghĩa quân nhà Tây Sơn và được cụ Nguyễn Lữ (em út của vua Tây Sơn) truyền dạy võ nghệ. Từ đó, cha tôi cũng được ông ngoại truyền dạy cho nhiều bài võ, trong đó có bài Hùng kê quyền.”- Võ sư Ngô Lâm kể.
 
Dù được “chân truyền” lời thiệu và những thế võ độc đáo của bài Hùng kê quyền, nhưng vì còn trẻ nên cố võ sư Ngô Bông không am hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của lời thiệu cùng những thế võ kết hợp. Mãi đến nhiều năm sau khi tầm sư học đạo, võ sư Ngô Bông mới hiểu hết được ý nghĩa của lời thiệu cùng bài võ Hùng kê quyền.
 
Đến năm 1989, tại giải võ cổ truyền ở Bình Định, vị cố võ sư mới đem bài Hùng kê quyền biểu diễn trước sự thán phục của giới võ thuật Bình Định. Tiếp đó, năm 1993, tại giải võ cổ truyền toàn quốc, ban tổ chức yêu cầu mỗi bài quyền biểu diễn phải kèm theo xuất xứ, lời thiệu. Bởi vậy bài Hùng kê quyền dưới sự biểu diễn thần sắc kèm lời thiệu hào hùng của ông đã vang danh thiên hạ.
 
Tiếp bước truyền nhân
 
Đến nay, sau khi cố võ sư Ngô Bông qua đời, Hùng kê quyền cũng được nhiều lò võ nổi tiếng khắp cả nước luyện tập. Hiện tại một số lò võ áp dụng tập luyện Hùng kê quyền đã đạt được thành tích cao nhưng xét về độ tinh tế không nơi đâu sánh bằng chính vùng đất truyền nhân Hùng kê quyền.

 

Võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú- người 7 lần đạt huy chương vàng tại các kỳ thi võ cổ truyền toàn quốc với bài Hùng kê quyền
Võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú- người 7 lần đạt huy chương vàng tại các kỳ thi võ cổ truyền toàn quốc với bài Hùng kê quyền
 
Gia đình của cố võ sư Ngô Bông có 8 người con. Trong đó, có 2 người con trai theo nghiệp cha là võ sư Ngô Lâm và võ sư Ngô Sỹ. Cả hai anh em Ngô Lâm và Ngô Sỹ đều được cố võ sư Ngô Bông chỉ dạy tỉ mỉ từ nhỏ những đòn thế, miếng đánh trứ danh.
 
Hiện tại võ sư Ngô Sỹ đảm đương việc trông coi, tiếp quản võ đường. Thỉnh thoảng ông dạy lại những thế võ, bài quyền cho những đứa trẻ miền quê hay chữa trật gân, khớp cho người dân nghèo. Còn việc truyền dạy Hùng kê quyền cũng như võ cổ truyền do võ sư Ngô Lâm đảm tránh.
 
“Trước khi qua đời, cha tôi đã căn dặn các học trò và con cháu phải đem hết tâm lực để phụng sự cho võ cổ truyền dân tộc và mong muốn đất nước sớm đưa võ cổ truyền thành “quốc võ” như thời Tây Sơn đã làm. Có như vậy mới đưa được nền võ Việt sánh vai cùng các nền võ thuật tiên tiến khác trên thế giới. Từ khi cha tôi qua đời, tôi luôn cố gắng đem tinh hoa của võ cổ truyền cũng như tinh hoa của bài Hùng kê quyền truyền dạy lại cho thế hệ sau và có thể nói đã đạt được những mặt rất đáng vui mừng”- Võ sư Ngô Lâm tâm sự. 
 
Hiện tại ngoài việc đảm nhận dạy võ thuật cổ truyền tại các trường năng khiếu, võ sư Ngô Lâm còn đảm tránh công tác huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Ngãi cho nhiều vận động viên.
 
Dưới sự chỉ dạy của võ sư Ngô Lâm, rất nhiều vận động viên ở Quảng Ngãi đã đạt được thành tích cao trong thi đấu, biểu diễn võ thuật như võ sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Hoàng Tú, Nguyễn Quốc Đạt... Trong số đó có thể kể đến nữ võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú đã 7 lần đạt huy chương vàng tại các kỳ thi võ cổ truyền Việt Nam toàn quốc với bài Hùng kê quyền.
 
“Cho đến nay, việc phát triển võ cổ truyền nói chung và bài võ Hùng kê quyền nói riêng được những người như võ sư Ngô Lâm, Ngô Sỹ hay thế hệ sau như võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú… phát huy rất tốt. Có thể nói, họ chính là những truyền nhân đích thực của bài Hùng kê quyền sau khi cố võ sư Ngô Bông qua đời”, ông Nguyễn Ninh- Chủ tịch Liên đoàn võ thuật tỉnh Quảng Ngãi từng nhận xét.
 
Bài, ảnh: An Điền

.