Phát triển thể thao từ đâu?

09:03, 26/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, những người làm thể thao tỉnh nhà đang chung vui với dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành (27.3.1946 – 27.3.2016). Nhìn lại những chặng đường đã qua, nhiều thế hệ cán bộ quản lý thể thao, đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên... không khỏi tự hào vì những cống hiến của họ cho thể thao tỉnh nhà. Thế nhưng, vẫn có đó những ưu tư, trăn trở, khi mà thực tế thể thao thành tích cao của tỉnh vẫn chưa tạo được nền tảng vững chắc, nếu không muốn nói là đang gặp không ít khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Nhìn vào bảng báo cáo của ngành, thì phong trào thể dục thể thao quần chúng đã có bước phát triển đáng mừng. Đến cuối năm 2015 số người luyện tập thể dục thể thao lượng thường xuyên hiện đạt gần 30% số dân và có đến 20% gia đình đạt chuẩn gia đình thể thao. Đây là chân đế rất thuận lợi để phát triển thể thao thành tích cao. Nhưng sau thể thao phong trào là gì?

Nhà thi đấu Diên Hồng hiện do Tỉnh đoàn quản lý.      Ảnh: H.T
Nhà thi đấu Diên Hồng hiện do Tỉnh đoàn quản lý. Ảnh: H.T


Thực tế, thể thao Quảng Ngãi hiện xếp thứ 34/67 tỉnh, thành (theo bảng xếp hạng thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014). Song nếu chúng ta biết được thành tích ấy có được chỉ nhờ vào một vài gương mặt thể thao nổi trội như vận động viên marathon Phạm Thị Bình hay võ sĩ  boxing Trần Quốc Việt, Đinh Hương... thì quả đáng lo lắng, vì Bình và Việt đều đã trở thành... huấn luyện viên. Và phía sau họ là cả một khoảng trống mênh mông.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là, hiện giờ nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao phát triển đang rất... xông xênh. Trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ngãi, ông Hồ Quý Nhân – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin: Cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện của vận động viên thành tích cao quá thiếu thốn, nhiều công trình đã cũ, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.

Mà thực tế quả đúng vậy! Làm thể thao nhưng ngành thể thao hiện không quản lý một công trình thể thao nào xứng tầm. Nhà thi đấu Diên Hồng ở trung tâm thành phố thì đã bàn giao cho Tỉnh đoàn quản lý, còn sân vận động tỉnh bàn giao cho UBND thành phố Quảng Ngãi. Không có nơi tập luyện đảm bảo tiêu chuẩn, ngành thể thao buộc phải tận dụng khu vực gầm khán đài A và B của sân vận động tỉnh làm nơi ở cho vận động viên. Còn địa điểm tập luyện thì tùy từng bộ môn, từng thời điểm, mà huấn luyện viên chọn chỗ phù hợp để cho các học trò tập luyện. Với điều kiện như thế, thật khó có thể đòi hỏi phát triển năng lực và kỹ năng của các vận động viên. Đấy là chưa kể “trang thiết bị tập luyện quá cũ kỹ, lạc hậu”.

Cơ sở vật chất đã vậy, hiện nay tỉnh ta còn thiếu trầm trọng đội ngũ huấn luyện viên có trình độ cao. Đây quả là vấn đề không dễ tìm ra lời giải trong một sớm một chiều. Không có thầy giỏi thì khó mà hy vọng sẽ đào tạo ra được trò giỏi, chứ chưa nói đến vận động viên đạt đẳng cấp ở tầm quốc gia.

Phát triển thể thao thành tích cao cần hội đủ nhiều yếu tố, từ việc đầu tư cơ sở vật chất cho đến con người... Nhưng tất cả cũng không nên dồn gánh nặng vào Nhà nước, chờ vào ngân sách nhà nước. Mà ngành thể thao cần huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển thể thao. Khơi dậy nguồn lực, tạo ra nguồn lực để phát triển thể thao, đó sẽ là “chiếc huy chương vàng lấp lánh” của những người làm thể thao.

THANH NHƯ
 


.