Võ sư Huỳnh Long Hổ: Để lại cho đời một chút vui

10:10, 23/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhận tin võ sư Huỳnh Long Hổ bị bệnh nặng, khiến tôi không khỏi bất ngờ. Người đàn ông ấy, dù đã bước qua tuổi 63, nhưng vẫn còn rắn chắc, nhanh nhẹn lắm. Chỉ gặp ông tại nhà riêng ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) được ít phút, hỏi thăm đôi câu, rồi ông lại tất bật lên tàu ra Đà Nẵng chữa bệnh.

Võ sư Huỳnh Long Hổ tên thật là Huỳnh Đỗ Vinh. Năm 11 tuổi, ông theo nghiệp võ. Thấy môn võ taekwondo được những người Nam Triều Tiên (theo tên gọi bây giờ là Hàn Quốc) du nhập vào Việt Nam với những cú đá “thần sầu”, cậu bé Vinh ngày ấy mê tít. Thế là ông quyết tâm khổ luyện để mong thành tài. Với năng khiếu võ thuật hơn người, Huỳnh Đỗ Vinh nhanh chóng “thăng bậc” lên Huyền đai Nhị đẳng taekwondo. Thấy con ham học hỏi, cha của võ sĩ Huỳnh Đỗ Vinh đã mời thầy Lâm Võ về nhà để dạy cho con trai các tuyệt kỹ của môn Thiếu Lâm Bắc phái và các môn thi đấu tự do. Sau đó, ông tiếp tục theo học võ sư Lâm Xí để luyện thêm môn boxing.

Võ sư Huỳnh Long Hổ với các môn sinh.                      Ảnh: NVCC
Võ sư Huỳnh Long Hổ với các môn sinh. Ảnh: NVCC


Đến giờ, những người am tường về võ thuật cả nước trong những năm 1970, thì hai trận đánh làm nên tên tuổi của Huỳnh Long Hổ là trận "tỷ thí" với võ sĩ Lê Thanh Hiệp - cao thủ võ xứ Quảng Nam và Đinh Hoàng Hùng - tinh anh của đất võ Bình Định khi ấy. Dù hai đối thủ của Huỳnh Long Hổ được xem là “bất khả chiến bại” trước khi gặp ông, nhưng chỉ mười mấy phút giáp mặt, cả hai đã bị Huỳnh Long Hổ hạ “nốc ao”. Từ đó, cái tên Huỳnh Long Hổ được giới hâm mộ đặt cho biệt danh “Hổ xám đất Quảng”, trở thành cái tên lẫy lừng trong làng võ Việt. Gầy dựng được danh tiếng, võ sư Huỳnh Long Hổ chiêu mộ môn sinh, rồi ông Hổ dẫn các học trò của mình đi thi đấu khắp nơi trong và ngoài tỉnh, góp phần khuấy động phong trào võ thuật.

Giải nghệ, ông gắn bó với đất Thạch Trụ (Đức Lân, Mộ Đức) một thời gian dài chiêu sinh, luyện võ. Võ sư Huỳnh Long Hổ luôn căn dặn các học trò mình rằng: “Học võ là để rèn luyện thân thể, bảo vệ chính mình và người yếu thế trong những lúc khó khăn. Chứ đừng vì chút sức mạnh, mà hà hiếp người khác”. Với tâm niệm ấy, sau khi hết đứng được trên sàn đấu, võ sư Huỳnh Long Hổ kiên trì tham gia các lớp đào tạo Đông y, tự mày mò sách vở, để có thể trị bệnh cứu người, chủ yếu là bệnh về xương khớp. Năm 2004, ông về hẳn thôn Điền Chánh, nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông, để hành nghề y và tiếp tục chỉ dạy lớp trẻ mê võ.

Bệnh nhân được ông chữa trị khó mà đếm hết được. Hầu hết là người có hoàn cảnh khó khăn. Có trường hợp người bệnh quá nghèo, lại ở xa ông phải đến tận nơi chạy chữa. “Gia đình tôi có khá giả gì đâu. Chỉ là thấy người ta nghèo quá, chẳng lẽ lại từ chối cứu chữa. Nhưng mình vui vì giúp được nhiều người”, võ sư Huỳnh Long Hổ trải lòng.

Cứ tưởng người đàn ông mạnh mẽ không gì có thể đánh gục được, lại gặp phải nghịch cảnh lúc tuổi xế chiều. Nhưng với sự kiên cường bẩm sinh trong con người vị võ sư lẫy lừng này, hy vọng sẽ giúp ông chiến thắng được bệnh tật, để tiếp tục công việc chữa bệnh, cứu người.

NGUYỄN TRIỀU


 


.