Truyện ngắn: Nụ cười của chị lao công

10:05, 23/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quệt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, chị Kim tìm bóng mát ngồi xuống lấy nước ra uống, kiểm tra điện thoại, một cuộc gọi nhỡ. Thủy Tiên, em gái của chị vừa gọi điện cách đây không lâu nhưng Kim mải mê quét dọn nên không để ý.
 
Chị gọi lại, phía bên kia vang lên giọng nói lảnh lót của cô em gái:
 
- Alo, em gái yêu của chị đây!
 
Đó là câu quen thuộc mở đầu mỗi cuộc trò chuyện giữa Thủy Tiên và chị gái. Cô bé lớn rồi mà như con nít, thỉnh thoảng lại làm nũng với chị như hồi còn để cột tóc hai bên.
 
- Em gọi chị có gì không? Nhớ chị hả?
 
Tiên cười:
 
- Chị gái em lúc nào mà em không nhớ! Em gọi hỏi thăm thôi. Chị đang làm gì đó? Thôi, khỏi nói cũng biết, lại quét dọn nữa phải không?! Em nói chị đừng làm nữa mà chị không nghe em. Thủy Tiên của chị thừa sức để nuôi chị mà!...
 
Lại cằn nhằn. Chị Kim cười tíu tít. Quen rồi. Lần nào Thủy Tiên gọi cũng cằn nhằn chị như vậy. Thủy Tiên nói một hơi dài không để cho chị Kim trả lời, nhưng chị không giận vì điều đó. Chị hiểu tính nết đứa em gái của mình, hiểu tấm lòng mà Thủy Tiên dành cho chị. Tuy hai người sống ở hai thành phố khác nhau, cách nhau gần 200 cây số nhưng Thủy Tiên lúc nào cũng đau đáu hướng về chị gái, hễ rảnh rỗi lại lặng lẽ về thăm khiến chị Kim bất ngờ, rồi lái xe chở chị Kim đi chơi đâu đó cho khuây khỏa.
 
- Lên thành phố ở luôn với em đi chị Kim, để em tiện chăm sóc chị. Chị ở đây lủi thủi một mình buồn lắm. Em ở thành phố một mình cũng cô đơn...
 
Thủy Tiên đề nghị như vậy. Chị Kim lắc đầu:
 
- Thôi, thôi! Chị ở đây quen rồi, lên đó lạ nước lạ cái, sao sống được.
 
Năm lần bảy lượt chị Kim từ chối. Chị biết Thủy Tiên còn trẻ, còn đủ sức bay nhảy chứ mình cũng vào hàng bốn mươi rồi, đâu còn trẻ trung gì nữa đâu, miễn là ổn định tấm thân. Chị Kim không có chồng, sống một mình trong căn nhà cũ ở một thành phố nhỏ, nơi cả chị và Thủy Tiên cùng lớn lên. Thủy Tiên muốn đón chị lên thành phố lớn để sống, Thủy Tiên đi làm, chị ở nhà cơm nước, trồng hoa, nghỉ ngơi... đến chiều hai chị em lại sum vầy trên bàn ăn đủ những món ngon vật lạ mà chị Kim chưa từng được ăn.
 
Viễn cảnh đó Thủy Tiên luôn mơ mộng, nhưng chị Kim không chịu. “Đi chơi ít hôm thì chị đi chứ ở luôn thì không được”. Thủy Tiên nghe thế buồn lắm. Chị dỗ dành em gái:
 
- Cô út lớn rồi mà còn nhõng nhẽo với chị. Chị ở đây, vài hôm em về thăm, thắp nhang cho ba má, nhìn góc này, chỗ kia trong căn nhà mà nhớ lại kỷ niệm hồi xưa, chẳng phải vui hơn sao!
 
Thủy Tiên không nói gì, cô ngả đầu vào đôi vai gầy guộc của chị Kim. Thủy Tiên ngồi khóc rưng rức. Thủy Tiên cao ráo, vóc dáng như người mẫu, còn chị Kim thì gầy đi mỗi ngày. Ba mất sớm, má một mình tần tảo nuôi hai chị em Thủy Tiên. Chị Kim gánh vác việc nhà cùng với má. Thủy Tiên nhỏ hơn, lại ham học nên má cho đến trường. Không phải má không cho chị Kim đến trường cùng Thủy Tiên, nhưng khi má hỏi thì chị Kim bảo: “Con không có duyên với chuyện học hành, má để một mình Thủy Tiên đi học là được rồi, học thay phần con. Mai này Thủy Tiên thành công sẽ nuôi con, má đừng lo!”. Má nghe mà ngân ngấn nước mắt.
 
Thủy Tiên học giỏi, học kỳ nào cũng đứng nhất, nhì trong lớp. Ai cũng nói tương lai Thủy Tiên xán lạn. Má với chị Kim nghe mà mừng. Khi Thủy Tiên học lớp mười hai là lúc má đi xa. Không phải chuyến đi lên tỉnh miền núi thăm bà con xa như năm ngoái, mà là chuyến đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Má mất trong một chiều có tiếng con cúm núm kêu sương buồn đứt ruột. Hai chị em ôm má khóc ròng. Từ đó, bao nhiêu cơ cực nhọc nhằn đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của chị Kim.
Chị Kim vừa thay má, vừa thay ba nuôi nấng, động viên Thủy Tiên. Chị làm đủ thứ việc để có tiền cho Thủy Tiên ăn học. Thủy Tiên thi đỗ vào trường đại học kinh tế với số điểm rất cao, chị Kim mừng rơi nước mắt. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Thủy Tiên do dự có nên đưa cho chị xem hay không? Hay là nói dối mình trượt để chị Kim đỡ vất vả, mình sẽ đi làm kiếm tiền, trở thành cô công nhân ở một nhà xưởng, xí nghiệp nào đó?... Chị Kim đoán được “kế hoạch” tinh ranh của đứa em, chị rầy:
 
- Phải học, chỉ có đi học em mới có thể khẳng định mình. Phải học để sau này đi làm có tiền nuôi chị nữa chứ? Chị lo được. Chuyện nhỏ!
 
Chị Kim luôn lạc quan như vậy, dù lúc đó, ngoại trừ căn nhà cũ ba má để lại, chị Kim chẳng có gì trong tay.
 
Thủy Tiên cứ nhớ hoài những ngày chị Kim khoác lên mình màu áo xanh của công nhân, sáng đi làm, chiều về nhà, có khi tăng ca đến tận khuya, một mình chị Kim đạp xe lọc cọc trở về. Khi đó, màn đêm giá buốt.
 
Hằng tháng chị Kim vẫn gửi tiền lên thành phố đều đặn cho Thủy Tiên. Chị dặn Thủy Tiên vài tháng hẳn về thăm chị, về đường xa mệt nhọc, lại tốn kém, để tiền đó đăng ký học Anh văn, học Tin học… sau này sẽ hỗ trợ cho em rất nhiều. Thủy Tiên nghe lời chị, nhưng thi thoảng nhớ chị, nhớ ba má, Thủy Tiên cũng bắt xe về quê thăm chị, thăm mộ ba má. Mỗi lần trở về, Thủy Tiên thấy chị mình ngày một già đi, lòng xót xa.
 
Đêm ngồi bên Thủy Tiên trong căn nhà cũ kỹ, mấy bận chị Kim kêu người sửa sang, sơn phết lại, trồng thêm mấy chậu hoa ngoài sân để căn nhà thêm đẹp. Chị Kim không nỡ bán căn nhà đi. Nơi đó hai chị em đã sống bên nhau, lớn lên, có những kỷ niệm êm đềm với ba, với má. Chị vuốt tóc em gái, nói khẽ:
 
- Nhanh quá, Thủy Tiên! Mới đó mà em đã trở thành doanh nhân trẻ, có nhà, có xe sang ở thành phố lớn! Chị mừng quá!
 
- Tất cả là nhờ chị hai. Em thương chị hai nhiều lắm! - Thủy Tiên phụng phịu. Với chị Kim, bao giờ Thủy Tiên cũng là cô bé nhỏ nhắn, đáng yêu, không phải một doanh nhân bản lĩnh trên thương trường.
 
- Nhờ em chăm chỉ học hành, có lý tưởng. Nhờ trời thương. Nhờ ba má phù hộ. Giờ em êm ấm phần em rồi! Đừng lo cho chị. Miễn em hạnh phúc là chị vui.
 
Nghe chị nói, từng câu, từng chữ thấm thía vào tim gan của Thủy Tiên. Nước mắt cô chan chứa. Cô hiểu vì sao chị chọn ở lại căn nhà cũ. Cô hiểu chị mình sống bằng quá khứ tươi đẹp, luôn đau đáu nghĩ về những kỷ niệm xa xưa. Cô biết chị mình nặng lòng với chốn cũ, người xưa, luôn yêu thương mình dù giờ đây Thủy Tiên không còn vòi chị từng đồng bạc lẻ để ăn sáng như xưa nữa.
 
Chuyện gì thì Thủy Tiên cũng chịu, chỉ có chuyện chị Kim đi làm lao công dọn vệ sinh đường phố là Thủy Tiên kiên quyết ngăn.
 
- Mình có thiếu thốn gì đâu chị? Làm lao công đội nắng đội mưa cực lắm! Chị hai có tuổi rồi, lại hít phải khói bụi ô nhiễm, lỡ có gì em hối hận suốt đời.
 
Chị Kim cười hiền:
 
- Em gái tôi lo xa quá! Chị không sao. Em thấy không, bất kể ngày hay đêm, miễn đi quét đường là chị mang đồ bảo hộ cẩn thận.
 
Thủy Tiên lo lắng nhiều. Cô thấy mình có lỗi khi chị đã dành cả tuổi xuân để nuôi nấng, chăm lo cho mình nên người, rồi mình như cánh chim sổ lồng rời xa chị! Mình là doanh nhân, còn chị là công nhân dọn vệ sinh đường phố, làm công việc tiếp xúc với nhiều rác thải… Sức khỏe chị Kim chắc sẽ bị ảnh hưởng.
 
- Em à, nghề nào cũng là nghề cao quý cả! Không có công nhân dọn vệ sinh thì sẽ không có những con đường sạch sẽ để xe ô tô bon bon chạy. Chị làm nghề gì cũng được, miễn chân chính là chị vui rồi! Ở nhà không có việc gì làm, chị chịu không nổi. Xưa giờ có bao giờ chị ngơi tay đâu?
 
Thủy Tiên ngẫm lại: Xưa giờ chị Kim có bao giờ ngơi nghỉ, chị vẫn đi làm suốt, từ nghề này qua nghề khác. Các công ty, phân xưởng ở cái thành phố này chắc nơi nào cũng biết mặt chị. Chị đổi sức lao động để lấy tiền chăm chút cho Thủy Tiên. Rồi chị nhận lại được gì ngoài vóc dáng gầy guộc và khuôn mặt đã bị thời gian làm mờ đi những nét đẹp của người phụ nữ...
 
“Chị ơi! Em biết bao giờ mới đáp trả hết ân tình của chị đây?!”. Thủy Tiên thổn thức.
 
Chiều cuối tháng, Thủy Tiên lái xe về thăm chị. Bắt gặp chị đang quét lá rụng bên đường giữa đô thị chiều rộn ràng tiếng nói cười, Thủy Tiên dừng xe lại. Chị mừng lắm, nhưng chị bảo Thủy Tiên về nhà trước, xong con đường này chị về nấu cơm cho Thủy Tiên ăn. Cô không chịu:
 
- Em ở đây với chị! Chừng nào chị về thì em về, như hồi xưa vậy. Chị em mình dính nhau như sam!
 
- Trời ơi, bụi bặm dữ lắm cô nương!
 
- Có sao? Chẳng phải ngày nào chị cũng hít mà vẫn khỏe đó thôi!
 
Chị Kim cười vang, mắt chị ngập tràn những tia sáng hạnh phúc:
 
- Ừ, thì ở. Nhưng trước hết là... lái xe lại đằng kia đỗ cái đã. Cô công chúa!
 
Thủy Tiên cười, choàng sang hôn một cái rõ kêu lên gò má đầy tàn nhang của chị.
 
Chiều nhẹ như chân chim...
 
HOÀNG KHÁNH DUY
 

.