Tìm về đình Vĩnh Lộc

01:09, 02/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đình Vĩnh Lộc ở thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa, khắc sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ.  
[links()]
 
Đình Vĩnh Lộc tọa lạc trên một quả đồi, trước đây là căn cứ địa cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch. Ông Đặng Văn Dũng (84 tuổi), ở thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình, từng tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm cho biết, đình Vĩnh Lộc là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Có thời gian xưởng quân giới được đặt tại đình Vĩnh Lộc. Lúc bấy giờ, lực lượng tự vệ, du kích phát triển nên cần được trang bị vũ khí. Chi bộ Vĩnh Lộc đã phân công cho các đồng chí của Xưởng quân giới Từ Nhại phụ trách việc rèn và gia công giáo, mác... Trong một thời gian ngắn, các đồng chí đã rèn và gia công trên 300 vũ khí thô sơ, một phần chuyển về chiến khu Vĩnh Sơn, một phần trang bị cho du kích tự vệ tại địa phương.
 
Do chiến tranh tàn phá, nên đình Vĩnh Lộc chỉ còn lại phần cổng đình.           Ảnh: Trung Ân
Do chiến tranh tàn phá, nên đình Vĩnh Lộc chỉ còn lại phần cổng đình. Ảnh: Trung Ân
Ngày ấy, đình Vĩnh Lộc còn dùng làm trường học, kho lương thực, kho vũ khí. Đặc biệt, tại đình Vĩnh Lộc đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Năm 1951, tại đình Vĩnh Lộc đã diễn ra Đại hội Chiến sĩ thi đua công nông binh toàn Liên khu 5; năm 1953 diễn ra Hội nghị tổng kết tuyên huấn Liên khu 5. “Qua hai cuộc kháng chiến, đình Vĩnh Lộc là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng qua các thời kỳ, là điểm tập kết, đóng quân để chuẩn bị đánh địch, trong đó có trận đánh ở Ba Gia. Sau hai đêm tập luyện, chuẩn bị tại đình Vĩnh Lộc, quân ta đã góp phần làm nên chiến thắng Ba Gia vang dội”, ông Dũng cho biết thêm.
 
Đình làng Vĩnh Lộc còn gắn với câu chuyện lịch sử xa xưa. Trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam, người Việt ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) chuyển cư vào thừa tuyên Quảng Nam. Có những vị tiền hiền họ Nguyễn, Trần, Lê, Hà, Huỳnh, Bùi, Võ... đến khai khẩn đất hoang, tạo dựng vùng đất mới ở Tịnh Bình. Ông Nguyễn Văn Đồng (76 tuổi), ở thôn Bình Nam, cho hay, không ai biết đình Vĩnh Lộc được xây dựng từ khi nào, mà chỉ nghe truyền nhau câu: "Nguyễn xây đình/ Huỳnh xây chùa" và đây là nơi thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng.
 
Trước đây, mỗi năm, tại đình làng người dân tổ chức ngày hội làng, rước thần sắc, cúng tế tiền hiền, hậu hiền trong không khí trang nghiêm, mang đậm dấu ấn của văn hoá người Việt. Thông qua việc thờ phụng thành hoàng làng và những sinh hoạt làng xã tại đình Vĩnh Lộc đã góp phần cố kết, tạo mối liên hệ mật thiết trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do bom đạn của chiến tranh, đình Vĩnh Lộc bị tàn phá nghiêm trọng, giờ đây chỉ còn lại phần cổng đình. “Đình Vĩnh Lộc là nơi ghi dấu những thăng trầm của lịch sử, là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, góp phần làm nên cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giành thắng lợi; cũng là nơi gửi gắm ước vọng, ghi nhớ công ơn khai khẩn của thành hoàng làng. Do vậy, người dân Tịnh Bình mong muốn đình Vĩnh Lộc được phục dựng, trở thành điểm đến để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ",  ông Đồng bày tỏ.
 
TRUNG ÂN
 
 
 

.