Hát hố Quảng Ngãi

03:08, 24/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hát hố là một loại hình hò hát đối đáp của người bình dân Quảng Ngãi ngày xưa, có nhiều nét tương đồng với các loại hình dân ca đối đáp vùng Ngũ Quảng - Nam Trung Bộ, đặc biệt là hát hò khoan Quảng Nam. Đây là một thể loại dân ca ra đời trong môi trường lao động và giao lưu sinh hoạt ở nông thôn, đồng thời là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Quảng Ngãi xưa.
[links()]
Với loại hình nghệ thuật này, người vui chơi, người hát, đồng thời cũng là người sáng tác của điệu hát hố chính là quần chúng nhân dân thuộc nhiều thế hệ. Họ là những nghệ nhân mê ca xướng, hò hát, có năng khiếu về ca từ; một số thông hiểu chữ nghĩa kinh truyện.
 
Nội dung hát hố khá phong phú, đa dạng, phần lớn là các câu hò giao duyên tình cảm, ca ngợi nhân nghĩa nhân tình; một số bài nhắc nhở luân thường đạo lý, khen ngợi những gương tiết liệt trung trinh; đả kích kẻ vong ân, bội nghĩa; nhắc nhở mọi người thấy việc tốt thì học theo, nhìn ra điều không hay để sửa mình. Theo nhiều nghệ nhân, sở dĩ gọi là “hát hố” vì ở cuối mỗi câu hát bao giờ cũng có những tiếng đệm “hố hợi hò khoan" hoặc “là hò hố khoan”: "Đêm đêm nghe tiếng giã chày/ (Là hò hố khoan) lại bày ra sân/ Anh xa cho đến chị gần/ Vào đây giã gạo (ta hố) để mừng duyên nhau".
 
Nghệ sĩ Thanh Bình và Kiều Oanh trình bày điệu hát hố trong Liên hoan đàn và hát dân ca khu vực Nam Trung Bộ tại Phú Yên.  ẢNH: LHK
Nghệ sĩ Thanh Bình và Kiều Oanh trình bày điệu hát hố trong Liên hoan đàn và hát dân ca khu vực Nam Trung Bộ tại Phú Yên. ẢNH: LHK
Hát hố cũng được gọi là hát nhơn ngãi (nhân nghĩa), vì nội dung chính của cuộc hát cũng như phần lớn các câu hát là hò đối đáp nhơn nghĩa, huê tình: "Anh về sao đặng mà về/ Nhơn ngãi lời thề anh bỏ lại cho ai/ Ra về đường liễu dặn mai/ Khuyên anh ở lại khéo phai lời nguyền".
 
Nhìn tổng thể, hát hố là một hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian với các bộ phận hợp thành chủ yếu là âm nhạc, văn chương, nghệ thuật trình diễn gắn kết, hòa quyện trong một kịch bản đơn giản, sơ khai nhưng linh hoạt, giàu tính thẩm mỹ, khi trữ tình sâu lắng, lúc hứng thú, sôi nổi, cuốn hút người trình diễn lẫn người xem, người nghe.
 
Với cối gạo và chày giã vừa là dụng cụ lao động, vừa là dụng cụ tạo nhịp, hát hố là môi trường gắn kết giữa môi trường làm việc (giã gạo lức thành gạo trắng) và vui chơi. Đây cũng là một biểu hiện của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, mang đậm dấu ấn lịch sử văn hoá của quá khứ, phản ánh tính hợp quần trong lao động cũng như trong những mối quan hệ xã hội của một thời chưa xa.
 
Về tiết tấu, giai điệu, nghệ nhân hát hố thể hiện câu hát trên nền ba loại nhịp chính (hò nhịp hai, hò nhịp bốn và hò nhịp trùng) với các làn điệu phát triển từ cơ sở hệ thống thang âm điệu thức âm nhạc truyền thống. Trong quá trình diễn xướng, ngoài tiếng chày giữ nhịp, hát hố không sử dụng nhạc cụ phụ hoạ mà chỉ có những tiếng xô, những câu hò đối ứng theo kiểu đồng diễn đa xướng, khi khoan, khi nhặt tùy theo tâm trạng người hát và không khí, tính chất biểu hiện ở từng giai đoạn cụ thể của một cuộc hát.
 
Là một thể loại hò hát dân gian, gắn liền với đời sống của người lao động, nội dung hát hố thể hiện một cách đa dạng, phong phú cuộc sống nông thôn và những cung bậc tình cảm của người bình dân Quảng Ngãi với nhiều câu hát ngợi ca quê hương, ruộng đồng, sông núi với một niềm tự hào khôn tả.
 
Đây là hình ảnh một làng quê ở vùng đồng bằng lưu vực sông Trà Khúc qua bài hát của các nghệ nhân làng Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh): "Dù ai buôn bán đâu đâu/ Đi về Trường Thọ qua cầu Truông Giao/ Nơi đây thổ sản dồi dào/ Dưa gang, bí đỏ, bí đao, đậu nành/ Chuối ngự là thức để dành/ Chờ ngày lễ phật Thình Thình dâng hương".
 
Những câu ca nhơn nghĩa ân tình, những lời hát giao duyên nồng thắm mới là giai điệu chính của trò vui hát hố. Thân mật chào mời rồi hẹn hò, e lệ; cười cợt vui đùa rồi nhung nhớ, xót xa. Có câu hát xót lòng tiễn người về trong lưu luyến, lại có bài ca gửi tình mặn nồng cho người ở lại. Khi trách bạn, lúc xót mình. Hát hố mà gọi là hát nhơn ngãi thì chí lý biết bao nhiêu: "Em thương anh thương quá thương chừng/ Bưng bát nước lên quên uống, bưng chén cơm ngừng quên ăn/ Tư bề hột lị nhỏ lăn/ Chùi áo áo ướt, chùi khăn khăn mòn".
 
Hát hố đã lùi vào dĩ vãng. Những cuộc hát với “chày cối có đôi” đã khép lại vào những năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ trước. Nghệ nhân hát hố hầu như cũng không còn. Thời gian lặng lẽ làm nhoà đi trong ký ức con người bao nhiêu tâm trạng buồn vui gửi theo câu hát, điệu hò ở chốn nông trang. Thì thôi, cũng đành biết vậy. May mà đó đây còn có người lặng lẽ chép lại mấy câu văn vần, vài ba điệu hát làm quà gửi lại cho con cháu mai sau.
 
LÊ HỒNG KHÁNH
 
 
 

.