Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số: Tiếp tục gìn giữ và phát huy

08:04, 20/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Cor, Hrê... sinh sống, tập trung ở 5 huyện miền núi. Mỗi dân tộc có vốn di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng bảo tồn, khuyến khích đồng bào phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị các phong tục, tập quán đặc sắc, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.
[links()]
Tự hào di sản văn hóa
 
Mới đây, đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Ba Tơ đón nhận tin vui, đó là nghệ thuật trình diễn chiêng ba được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh cho biết: Người Hrê thường dùng chiêng ba chiếc (chiêng ba), ba cỡ: Lớn, vừa, nhỏ, với ba kiểu đặt đánh: Treo, úp, dựng nghiêng. Chiêng ba đánh lúc lễ hội, đám cưới, đám hỏi, vui chơi giải trí. Ngoài chiêng ba, người Hrê còn có bộ chiêng 12 chiếc gọi là chình hlinh, bộ chiêng 5 chiếc gọi là goang. Ngoài ra, người Hrê còn có các loại nhạc cụ khác được chế tác bằng tre, nứa, gỗ, đất, trái bầu, cọng bí, lá lúa... Tất cả đều cất lên những âm thanh trong trẻo, độc đáo và truyền cảm.  
Tiết mục đấu chiêng của đồng bào Cor huyện Trà Bồng.       Ảnh: TẤN KHÂM
Tiết mục đấu chiêng của đồng bào Cor huyện Trà Bồng. Ảnh: TẤN KHÂM
Đến thời điểm này, cùng với chiêng ba của người Hrê ở huyện Ba Tơ, các huyện miền núi trong tỉnh có các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (Ba Tơ); nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor; Lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng. Đây là niềm tự hào và cũng là nét văn hóa độc đáo, quý báu được cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chung tay gìn giữ.
 
Gìn giữ cho đời sau 
 
Để lưu giữ giá trị di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Hrê, hằng năm, huyện Ba Tơ tổ chức sưu tầm các loại nhạc cụ của người Hrê, đặc biệt là cồng chiêng. Hiện nay, toàn huyện có tổng cộng hơn 900 hộ dân có cồng chiêng. Huyện đã thành lập các đội nghệ nhân trình diễn phục vụ du khách; tổ chức hàng chục lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Huyện Ba Tơ cũng đã xây dựng Trung tâm Văn hóa và Giáo dục cộng đồng huyện, với tổng kinh phí 21,8 tỷ đồng.  
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tham gia biểu diễn tại liên hoan cồng chiêng, đàn và  hát dân ca.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tham gia biểu diễn tại liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca.
Tại huyện Minh Long, công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Hrê cũng được chú trọng. Ông Trần Đình Hà, ở thôn Diên Sơn, xã Long Sơn hiện còn lưu giữ 5 bộ chiêng quý để phục vụ cho gia đình và cho người dân trong làng mượn sử dụng mỗi khi có lễ hội. “Gia đình tôi không chỉ giữ chiêng mà còn vận động các gia đình cùng chung tay giữ gìn hồn cốt của dân tộc mình. Nếu nghệ thuật cồng chiêng bị mai một thì thế hệ trẻ lớn lên sẽ không hiểu biết gì về nét văn hóa của dân tộc", ông Hà chia sẻ. 
 
Ở các huyện miền núi có nhiều mô hình sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã và đang được phục dựng. Điển hình như Khu bảo tồn văn hóa Cor tại huyện Trà Bồng; Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng (Ba Tơ); Trung tâm Bảo tồn văn hóa Hrê tại huyện Sơn Hà... Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng. Hằng năm, Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND các huyện miền núi định kỳ tổ chức liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số; liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh...
 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí cho biết: Thời gian tới, ngành tập trung triển khai dự án Bảo tồn và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, bài trừ hủ tục lạc hậu. Cùng với đó là, tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc ở các huyện và một số hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia thực hành các loại hình di sản văn hóa. Sở chú trọng tham mưu việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, để kịp thời tôn vinh vai trò của các nghệ nhân...
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 

.