"Bạn chèo Tuyết Diêm"

03:04, 02/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Rằm tháng Hai là lệ tế xuân, lễ hội Cầu ngư của vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Nói đến vạn chài Tuyết Diêm hẳn nhiều người nhớ đến câu ca: "Tiếng đồn bạn nhạc Bàu Bèo/ Bạn gươm Mỹ Huệ, bạn chèo Tuyết Diêm". Lệ xuân năm nay ở Tuyết Diêm cũng như mọi năm, cũng có bạn chèo, nhưng có phần gợi nhớ, gợi xúc cảm hơn các 
năm trước.
 
Sóng gió Tuyết Diêm
 
Tuyết Diêm nằm ở vùng “sừng” của huyện Bình Sơn choài ra biển, có thể nói là chỗ “nhọn” nhất của cái sừng, kiên gan che chắn sóng gió ở bờ đông vịnh Dung Quất. Làng chài hình thành năm, sáu trăm năm trước, đến năm Gia Long thứ 12 (1813), làng vạn còn mang tên Hoa Diêm. Năm vua Thiệu Trị lên ngôi (1841), chữ Hoa bị phạm húy, phải đổi thành chữ Tuyết. Hoa Diêm cũng như Tuyết Diêm đều có nghĩa là muối trắng tinh khiết (như hoa, như tuyết), vì thực tế nơi đây có đồng muối, trong bản đồ chữ Hán Đồng Khánh địa dư chí có ghi “Tuyết Diêm sản diêm” (làng Tuyết Diêm sản xuất muối). Muối được người Tuyết Diêm trải qua các thời kỳ làm nghề sinh sống, cho đến thập niên cuối thế kỷ XX thì chấm dứt.
 
Ghi dấu ấn vào địa danh, nhưng nghề làm muối không phải duy nhất, càng không phải nghề chính trong cuộc sinh tồn dài lâu của người Tuyết Diêm. 
Ngư dân vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) làm lễ rước thần.                ẢNH: CAO CHƯ
Ngư dân vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) làm lễ rước thần. ẢNH: CAO CHƯ
Địa bạ ghi nhận làng Tuyết Diêm năm 1813 có 113 mẫu ta ruộng đất (chủ yếu nằm ở thôn Tuyết Diêm 3 ngày nay), nghĩa là có nhiều người sống bằng nghề nông. Người Tuyết Diêm xưa cũng có người sống bằng nghề “chạy chợ”, làm nậu rỗi gánh cá đi bán ở các làng quê, dùng ghe chèo ngược sông Trà Bồng lên chợ Hôm, chợ Châu Ổ, chợ Thạch An để bán cá, mắm, muối, rồi mua chở về lúa gạo, than củi, trầu cau. Nhưng dấu ấn đậm nhất của dân Tuyết Diêm là nghề buôn ghe bầu và nghề đánh cá. Buôn ghe bầu ra Bắc, vào Nam là lối buôn bán bằng đường biển rất thịnh xưa kia, nhất là khi trục Quốc lộ 1 chưa xây dựng, đầy trắc trở và đường sắt chưa có.
 
Ở làng Tuyết Diêm thuở ấy có nhiều người thuê thợ về đóng ghe bầu để đi buôn, như ông Tào, ông Quỳ, các ông trực tiếp lái ghe đi vào Nam buôn bán. Người buôn ghe bầu thường bán muối của Tuyết Diêm, đường của Bình Sơn, mua về lúa ở Nam Bộ, lá đệm, dây mây ở Cà Ná (để làm buồm, làm dây chằng ghe). Nghề cá có lẽ thu hút nhiều người nhất. Tùy điều kiện mà đánh cá có thể trong lộng hoặc ngoài khơi. Trong lộng đi về trong ngày. Đi khơi thường ở hướng đông đảo Lý Sơn chừng 40 - 50 hải lý và xa hơn nữa, đến khu vực đảo Hoàng Sa, ở ngoài biển dài ngày. Những người có chí phiêu lưu còn đi vào đánh cá ở vùng biển Phan Thiết, Cà Ná làm lưới cao để đánh bắt vào bán cho nậu ở địa phương ấy. Ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng thường vào biển Phan Thiết đánh bắt cá, nhưng mỗi địa phương có ưu thế đánh bắt khác nhau, cùng góp cho vùng mắm, cá Phan Thiết trở nên phồn thịnh và ngư dân cũng có thu nhập cao hơn so với ở quê.
 
Theo các cụ cao niên, thì vào thời các cụ có khoảng 20 đôi ghe nan (ghe 3 buồm 6 chèo) hằng năm vào vùng Phan Thiết đánh bắt, mỗi chiếc ghe có 7, 8 ngư dân. Cá đầy khoang thì vào bờ bán cho nậu, nghỉ ngơi xong lại ra biển đánh tiếp. Mỗi năm ngư dân đi đến bốn năm tháng mới quay về thăm quê. Mãn mùa thì ghe để lại ở Phan Thiết nhờ người trông hộ, bạn chài lên đường Thiên lý đi xe ngựa về quê, sau khi Quốc lộ 1 và đường sắt xây xong (khoảng 1935) thì đi bằng xe hơi, tàu hỏa. Cuộc mưu sinh khi xưa chứa đầy hiểm họa. Các cụ cao niên ở Tuyết Diêm đều nhắc đến bài ca hải trình mà các cụ gọi là “nhật trình”. Các cụ bảo, tác giả của bài ca là một nhà Nho đi thi không đỗ, bèn sắm ghe bầu đi buôn vào Nam, ra Bắc, rồi qua thực tế mà sáng tác bài này và lưu truyền để người đi biển sử dụng. Mối hiểm nguy trên biển thì có nhiều, không kể xiết, như khi đi qua đoạn biển có đá Vọng Phu (Phù Cát, Bình Định), các tay chèo phải vái bà Vọng Phu: "Lạy Bà, Bà nổi gió đông/ Để ghe tôi qua trước, ghe chồng Bà qua sau!". Hay khi đi qua mũi Đậy, mũi Dinh (Phú Yên, Ninh Thuận) phải tốn quá nhiều sức: "Mũi Dinh chín bị còn ba/ Mũi Đậy bảy bị không tha bị nào". Bị là bao gạo. Có khi gạo ăn hết mà không qua được quãng biển đầy sóng gió, ghe phải tấp vào bờ tìm chỗ nghỉ đôi ba ngày, đợi khi biển êm mới chèo qua. Mối hiểm họa chực chờ trên biển luôn là lý do để ngư dân Tuyết Diêm, cũng như ngư dân nhiều nơi khác, tin vào thần thánh, cầu thần thánh phù trợ.
 
Nói đến Tuyết Diêm sóng gió cũng không thể quên, thời kháng Pháp người Tuyết Diêm đã kiên gan chống quân Pháp đánh phá từ mặt biển, thời chống Mỹ cùng tham gia vào vành đai diệt Mỹ ở phía nam căn cứ Chu Lai, góp phần xứng đáng vào thành tích chung của các xã Bình Đông, Bình Thuận.
 
Gìn giữ văn hóa vạn chài
 
Cũng như nhiều làng vạn khác, vạn Tuyết Diêm có tín ngưỡng thờ cá Ông mệnh danh là thần Nam Hải phù trợ cho dân chài, xây lăng vạn thờ cá Ông đã lâu đời, có 4 cốt cá Ông. Thời kháng Pháp, quân Pháp bắn phá khiến lăng bị hư hỏng, ngư dân sửa lại, đến kháng chiến chống Mỹ, bom Mỹ đánh sập lăng hoàn toàn, người dân ly tán, nhưng tín ngưỡng đã ăn sâu trong đời sống tâm linh, nên đến sau năm 1975, lăng được xây dựng lại. Thập niên 1990, thôn Tuyết Diêm được tách lập thành 3 thôn, người dân vạn chài thôn Tuyết Diêm 2 xây dựng riêng một lăng thờ cá Ông cho vạn của mình, để tiện việc thờ cúng, tế lễ.
 
Tôi đến lăng vạn Tuyết Diêm 2 nhằm ngày rằm tháng Hai năm nay, là ngày tế xuân, là lệ chính trong hai lệ xuân, thu nhị kỳ. Lệ xuân còn gọi là lễ cầu ngư, mở đầu cho dân vạn khởi sự đi đánh bắt trong năm. Lệ thu diễn ra vào rằm tháng Tám khi mãn mùa cá. Ngư dân ở đâu cũng phải về dự lễ tế.
 
Lăng vạn Tuyết Diêm 2, cũng như lăng vạn Tuyết Diêm cũ, nằm sát bờ vịnh, có mặt tiền nhìn ra vịnh. Vạn Tuyết Diêm phía tây là vịnh Dung Quất rộng, phía đông là biển cả, cái “cổ cò” Tuyết Diêm lộng gió biển. Nhịp sống, bầu không khí đã khác xưa rất nhiều. Tháng Hai trời biển trong xanh. Dọc bờ vịnh vươn lên nhiều cần cẩu, các tàu lớn neo đậu, đường dẫn đến cảng các xe tải chở hàng chạy rầm rập suốt ngày đêm. Nhưng lăng vạn Tuyết Diêm 2 vẫn là góc khuất thiêng liêng. 
Ngư dân vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư.  ẢNH: CAO CHƯ
Ngư dân vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư. ẢNH: CAO CHƯ
Mặc không khí hối hả ngoài kia, trong này có phần yên ắng, dân vạn kẻ dọn bàn thờ, người lo lễ vật, phụ nữ lo nấu nướng. Ba giờ chiều, lễ nghinh Ông bắt đầu. Khám thờ được rước lên đặt ở mui chiếc thuyền lễ nằm trong vịnh, các bô lão lo việc tế tự của vạn mặc áo dài lễ, đội bả trạo cũng đã lên thuyền. Thuyền chạy hướng về cửa vịnh, đi hai bên chầu hầu là hai chiếc thuyền đua nhỏ, dài với các tay chèo đang chèo tay. Ra đến cửa vịnh, chủ lễ cúng vái rước thần lên kiệu về lăng. Trên đường rước, đội bả trạo liên tục hát múa chầu thần. Xong đâu đó, người ta không quên rải vàng mã, ném gạo muối trên biển cho các cô hồn cát đẳng. 
 
Tại lăng, các bô lão mặc lễ phục đang đón, ban nhạc lễ sẵn sàng cúng thần. Kế đến là lễ an vị và nhập điện, mọi người tụ tập trước lăng, các bô lão mặc áo dài lễ đứng hai bên, đôi chinh nhỏ khởi tiếng, kế tiếp là đôi trống nhỏ khởi động, đến khúc nhạc lễ hầu thần, sau đến trống lớn, chiêng lớn ở ngoài sân nổi lên vang động. Sau khi rót rượu, các bô lão đến bái lạy, đọc chúc văn, mọi người trong ngoài cung kính cúng thần. Sẩm tối, lễ cúng “cô bác” (các vong linh) được tổ chức trước sân lăng, với một heo, thịt chín và thịt sống bày biện trên bàn lễ. Các bô lão lại tiếp tục rót rượu, khởi chiêng trống, bái lạy các đấng siêu linh, đọc văn cúng. Tiếng chiêng trống, nhạc lễ lại vang ngân giữa không khí về đêm đã trầm lắng lại.
 
Sáng ngày hôm sau là chính lễ. Mọi người trong vạn chài tập trung đông đủ về lăng vạn. Lễ vật gồm một con heo được bày biện trên bàn lễ. Các nghi thức cúng tế khởi chinh, rót rượu, đọc chúc văn được tiến hành nghiêm cẩn. Sau lễ cúng, với sự chứng kiến của tất cả mọi người, ở ngoài sân đội chèo trong trang phục diễn tấu đã sẵn sàng. Đội chèo đứng theo hình chiếc thuyền, hàng giữa có tổng mũi, tổng lái, tổng thương, hai hàng hai bên là các tay chèo như hàng ngũ trên một chiếc ghe, hướng vào lăng hát múa hầu thần. Với sự dẫn dắt, hát múa của các nghệ nhân Nguyễn Văn Thu (nghệ nhân ưu tú), Nguyễn Văn Thực và tiếng trống, tiếng nhạc, đội chèo Tuyết Diêm diễn các cảnh đánh bắt trên biển khơi, cầu thần phù hộ vượt qua sóng dữ và cuộc sống an lành, tôm cá đầy khoang. Để hầu thần và phục vụ ngư dân, vạn còn tổ chức hội đua thuyền ở quãng nước trước lăng, trong vịnh Dung Quất. Hai chiếc thuyền dài với hình quy phụng từ lăng thờ đã được hạ thủy, các tay đua với bộ y phục đua thuyền thi nhau bơi đua, trong tiếng trống giục và gười dân đứng trên bờ cổ vũ. Kết thúc lễ cầu ngư, tất cả mọi người cùng dự tiệc cúng, ăn uống vui vẻ và tâm sự với nhau về những suy nghĩ trong cuộc sống. 
 
Tôi đã từng nghe anh Thu, anh Thực diễn nhiều lần, nhưng lần này trong không khí thiêng liêng ở lăng vạn, cảm xúc bỗng lâng lâng, tôi nghe như trong từng lời ca điệu múa thấm đẫm sóng gió, khát vọng của Tuyết Diêm nhiều trăm năm trước.
 
Còn nhiều trăn trở
 
Xã Bình Thuận nói chung,  thôn Tuyết Diêm nói riêng nằm trong vùng lõi của KKT Dung Quất, có các cảng ở Dung Quất. Ban đêm đèn sáng rực, có thể thấy những đám mây khói nhả lên vòm trời của Nhà máy thép Hòa Phát.
 
Trước khi dự lễ hội cầu ngư, tôi đi một vòng quanh mũi Cổ Cò hiên ngang chắn ở bờ đông, thiên tạo nên vịnh Dung Quất. Từ mũi đất tự nhiên ấy, ngày nay, một bờ chắn sóng thẳng tắp được đắp ra. Quanh bờ vịnh nổi lên các cần cẩu. Trong vịnh các con tàu lớn đang neo đậu, bên cạnh các tàu ấy, thuyền cá của ngư dân trông mới nhỏ nhoi làm sao, dù được xem là thuyền có công suất lớn. Công nghiệp phát triển đáng mừng, nhưng làm sao cho nó không “va chạm” với ngư nghiệp vốn có nơi đây từ nhiều trăm năm trước, hẳn đã khiến những người trong cuộc phải trăn trở. Lại còn phải bảo tồn các di tích và di sản phi vật thể như lễ cầu ngư làm sao đây? Đá Hang, dấu tích vụ thảm sát của quân Pháp năm 1951 đối với 52 người dân, có còn không?
 
Tôi ngồi hàn huyên ở sân lăng vạn chài Tuyết Diêm 2 cùng các lão ngư và nghệ nhân, bỗng thấy thương và cảm nhận niềm băn khoăn của ngư dân. Các lão ngư bảo xưa kia, sau lệ thu rằm tháng Tám, ngư dân không thể ra khơi đánh bắt vì sóng to gió lớn, thì cứ đánh bắt trong vịnh Dung Quất cho đến lệ xuân, ngót nghét 5, 6 tháng. Hồi đó cá trong vịnh rất nhiều, như cá liệt, cá cơm, cá tè be, có thể giúp ngư dân mưu sinh suốt mùa mưa gió. Nay do tác động của công nghiệp, cá tôm trong vịnh không còn.
 
Một niềm băn khoăn là việc mở rộng không gian công nghiệp cũng khiến cơ sở thờ tự vốn có, như lăng vạn Tuyết Diêm 2 sẽ phải di dời thế nào, các giá trị di sản cổ truyền quý báu hình thành từ nhiều trăm năm trước, lễ cầu ngư, chèo bả trạo sẽ tiếp diễn ra sao? Dưới tác động của công nghệ mới và công nghiệp, một số người trẻ tuổi ở thôn Tuyết Diêm không khỏi bị phân tâm, thiếu chú ý học hỏi, tham gia vào hoạt động văn hóa cổ truyền của bổn vạn. Vậy di sản sẽ trao truyền ra sao? Các di sản văn hóa quý báu nơi đây cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, cũng như sự nỗ lực tự thân của toàn thể ngư dân trong làng vạn.
"Thương hiệu" nghệ thuật vô giá
 
Lễ hội cầu ngư ở lăng vạn Tuyết Diêm 2 là sự kế thừa truyền thống đã hình thành hàng trăm năm trước của vạn Tuyết Diêm. Đây là một lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội tương tự ở các vạn chài ven biển, diễn ra bài bản, nghiêm cẩn và có nét độc đáo riêng. Trong cuộc sống đầy sóng gió của mình, người dân Tuyết Diêm không thể thiếu lệ cúng cá Ông, không thể thiếu chèo bả trạo hầu thần. Bạn chèo Tuyết Diêm nhờ cúng hầu thần nghiêm cẩn, bài bản, nên đã khắc ghi trong lòng các vạn chài ven biển, trở thành một “thương hiệu” nghệ thuật vô giá.
CAO CHƯ
 
 

.